KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN THIẾU NHIÊN VÀ NHI ĐỒNG VỀ PHIÊN GIẢI TRÌNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BÁO CHÍ

19/02/2021

Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình “Quản lý nhà nước về báo chí” đối với Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã gửi kết luận của phiên giải trình đến các đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu khai mạc phiên giải trình

Phiên giải trình về “Quản lý nhà nước về báo chí” đối với Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung làm rõ các vấn đề liên quan do các đại biểu Quốc hội nêu yêu cầu gồm: Đánh giá kết quả, hạn chế, khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (sau đây gọi là Quy hoạch báo chí); Đánh giá việc triển khai Nghị quyết 100/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với các nội dung trọng tâm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh đối với những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí và khắc phục bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.

Qua giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định truyền thông nói chung và báo chí nói riêng có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo người dân. Kể từ khi Luật Báo chí 2016 được ban hành, các cơ quan chức năng đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, công tác QLNN về báo chí còn không ít khó khăn, thách thức. Ủy ban cơ bản nhất trí với những nội dung trong báo cáo của Bộ TTTT, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ TTTT cùng các bộ, ngành liên quan trong việc thực thi trách nhiệm QLNN về báo chí.   

Sau khi Luật Báo chí 2016 có hiệu lực, cơ quan QLNN về báo chí đã ban hành 02 Nghị định và 04 Thông tư, cơ bản tạo hành lang pháp lý cần thiết để báo chí hoạt động lành mạnh, đúng pháp luật; hỗ trợ báo chí trong hoạt động tác nghiệp; tạo cơ chế để các cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp, phản hồi thông tin trên báo chí; bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý hoạt động báo chí.

Ủy ban ghi nhận trong công tác chỉ đạo, quản lý thông tin báo chí, Bộ TTTT đã phối hợp tốt với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc định hướng thông tin, tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động đối ngoại, công tác bảo vệ chủ quyền, các sự kiện trọng đại của đất nước, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả công tác tuyền thông, góp phần quan trọng trong sự thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta.

Bộ đã thực hiện rà soát, phát hiện, xử lý các hành vi thông tin sai sự thật, thông tin không chuẩn xác; triển khai các biện pháp kỹ thuật, tích cực đàm phán, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, phản động, sai sự thật, quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

Bộ cũng tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, triển khai đường dây nóng, tổ chức rà soát thông tin để chấn chỉnh, hạn chế, loại bỏ nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục trên môi trường mạng, trong chương trình, dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Trong quản lý hoạt động của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, Bộ đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; ban hành văn bản chỉ đạo, tăng cường quản lý, chấn chỉnh vi phạm trong sử dụng các loại giấy giới thiệu, thẻ cộng tác viên trong hoạt động, tác nghiệp báo chí; thiết lập đường dây nóng tại Trung ương và địa phương để nhận phản ánh hiện tượng nhà báo, phóng viên vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Bộ cũng đã quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đối với cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo do có sai phạm; xử lý vi phạm của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên giải trình

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý báo chí còn một số hạn chế như một số quy định chưa được ban hành (định mức kinh tế kỹ thuật về báo chí, cơ chế đặt hàng, về ”giải thể” cơ quan báo chí, về điều kiện, tiêu chuẩn phóng viên; về mô hình hoạt động của cơ quan báo chí không phải là đơn vị sự nghiệp công lập...). Một số loại hình và xu hướng báo chí, truyền thông mới (báo chí đa phương tiện, báo chí sử dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng cung cấp nội dung xuyên biên giới …) chưa được điều chỉnh trong Luật Báo chí và các văn bản dưới Luật. Còn có sự thiếu thống nhất trong quy định về xử lý vi phạm giữa Luật Báo chí và văn bản dưới Luật.

Thông tin trên báo chí chưa toàn diện, chưa phản ánh các hoạt động đa dạng của xã hội. Trong một số trường hợp, thông tin báo chí còn chậm, chưa thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận.

Việc chống tiêu cực, sai lệch trong hoạt động báo chí chưa quyết liệt. Tình trạng cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích; đăng tin sai sự thật, đăng tin giật gân, sao chép thông tin nhưng không trích nguồn tin; các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử hoạt động như báo chí, đưa thông tin không chính xác; thương mại hóa báo chí, “tư nhân hóa” báo chí còn phức tạp, nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Việc quản lý chương trình, nội dung phát thanh, truyền hình, nhất là đối với chương trình liên kết, chương trình truyền hình thực tế còn hạn chế, để xảy ra tình trạng có những chương trình nội dung thiếu tính giáo dục thẩm mỹ, phản cảm, thông tin thiếu chính xác, gây bức xúc dư luận.

Việc bảo vệ trẻ em trên phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên môi trường mạng chưa hiệu quả. Việc quản lý thông tin trên các nền tảng xuyên biên giới còn khó khăn.

Quy hoạch báo chí ở nhiều địa phương chưa có chiến lược tổng thể, còn vướng mắc, chưa đạt mục tiêu về sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan báo chí, QLNN về báo chí.

Một số cơ quan chủ quản báo chí chưa quan tâm đầu tư, buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí trực thuộc. Công tác quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương còn bất cập. Nhiều cơ quan báo chí mở văn phòng đại diện, bổ nhiệm phóng viên thường trú tại địa phương với số lượng lớn, chưa phù hợp yêu cầu thực tế.

Việc “khoán thu” cho các văn phòng đại diện; quản lý phóng viên thường trú, cộng tác viên chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều phóng viên, cộng tác viên tiêu cực, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín của người làm báo.

Việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận cán bộ làm công tác tham mưu chỉ đạo, quản lý báo chí chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí và công nghệ thông tin hiện nay.

Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chậm phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Việc xử lý vi phạm đối với văn phòng đại diện, phóng viên thường trú gặp khó khăn. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nội dung thông tin trên báo chí có thời điểm còn chưa kịp thời.

Từ kết quả Phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí đảm bảo bao quát hơn, nâng cao hiệu lực QLNN lĩnh vực thông tin và truyền thông trong tình hình công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ. Đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.  

Đối với Chính phủ, đề nghị chỉ đạo tổng kết việc thi hành Luật Báo chí và triển khai Quy hoạch báo chí, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí và các luật có liên quan.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ và thông tin, truyền thông hiện đại, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.

Khẩn trương ban hành, thực hiện tốt cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, tài chính và các quy định về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí.

Chỉ đạo thực hiện tốt Quy hoạch báo chí đảm bảo mục tiêu, định hướng, phương án sắp xếp và tiến độ đề ra.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động báo chí, nâng cao hiệu quả QLNN về báo chí. Khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo Nghị quyết 100/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2019. Hỗ trợ các cơ quan báo chí sắp xếp, củng cố bộ máy, nhân sự và hoạt động nghiệp vụ phù hợp với Quy hoạch báo chí, đảm bảo đúng lộ trình, hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương, Hội Nhà báo trong QLNN về báo chí; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại cho đội ngũ người làm báo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí, nhất là các vi phạm về thông tin, hoạt động liên kết, “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, “tư nhân hóa” báo chí./.

Bảo Yến