Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư XDCB sử dụng vốn ngân sách: Những phác họa đầu tiên

20/07/2008

Không đặt vấn đề truy xét trách nhiệm, mà chỉ muốn thông qua trao đổi, tìm ra những điểm chưa phù hợp trong chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách để sửa đổi, bổ sung.

      Quan điểm này được Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH - khẳng định với từng bộ, ngành ngay đầu buổi làm việc.

 

      Là khách mời, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng có mặt ở tất cả các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với 8 bộ, ngành. Vào buổi làm việc cuối cùng trong tuần với Bộ NN và PTNT, ông nhận định: “Xây dựng cơ bản (XDCB) là lĩnh vực sử dụng nhiều ngân sách, nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư XDCB có nhiều điều chưa đi vào cuộc sống, còn mâu thuẫn, chồng chéo...”.

 

      Có lẽ không cần đến kinh nghiệm của một người “nằm trong chăn” như ông Hùng cũng có thể nhận thấy điều đó nếu có điều kiện theo dõi các buổi làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành. Ban đầu, trong báo cáo, hầu hết các bộ ngành lạc quan cho rằng, hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước cơ bản là đầy đủ, hợp lý. Nhưng cách đặt vấn đề, những câu hỏi, dẫn chứng thành viên Đoàn giám sát nêu ra đã buộc các bộ, ngành thể hiện góc nhìn khác mà họ chưa bộc lộ hoặc vì không muốn va chạm, hoặc vì chưa hiểu rõ mong muốn, mục đích của chương trình giám sát.

 

      Một ví dụ rất điển hình, được nhắc đến ở hầu hết các buổi làm việc là mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Xây dựng. Theo Điều 122 Luật Đất đai năm 2003, yêu cầu hồ sơ xin cấp đất của nhà đầu tư phải có đơn xin cấp đất, giấy phép đầu tư, và hồ sơ dự án mới được giao đất. Nhưng theo Điều 37 Luật Xây dựng thì nhà đầu tư không thể xin phê duyệt và cấp phép đầu tư nếu không có đất cho dự án. Chỉ nhà đầu tư là khổ, là rối như canh hẹ vì không hiểu rốt cuộc thì con gà có trước hay quả trứng có trước? Theo phân tích của ông Hùng, việc mỗi bộ chủ trì soạn thảo một dự án luật và cài cắm quyền lợi của mình trong đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng điều khoản của luật này mâu thuẫn với điều khoản của luật kia, gây ra nhiều khó khăn và phiền toái. “Về chủ quan, tôi cho rằng nguyên nhân gốc rễ là do những đối tượng chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật không được tham gia nhiều vào quá trình soạn thảo. Thậm chí, việc tham gia còn mang tính hình thức, chẳng hạn, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến cho đối tượng chịu điều chỉnh và yêu cầu sau 3, 4 ngày phải gửi ý kiến tham gia. Như vậy thì sao mà làm được? Gần đây, hạn chế này mới dần được cải thiện”, ông Hùng nói. Ở một góc độ khác, những mâu thuẫn trong các luật, nghị định cho thấy công tác thẩm định, thẩm tra văn bản luật còn nhiều hạn chế.

 

      “Lắm khi di chuyển cái cột điện để giải phóng mặt bằng cũng mất cả năm” là nỗi khổ của (không riêng gì) Bộ Giao thông Vận tải chỉ vì Luật Đấu thầu quy định quá chi tiết. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên đồng cảm: Luật Đấu thầu quy định quá kỹ về trình tự, thủ tục và rườm rà. Cứ theo luật, thời gian đấu thầu mất 5- 6 tháng, nếu có tranh cãi thì đi tong một năm là chuyện rất đỗi bình thường. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp than: quy trình chọn lựa nhà thầu trong trường hợp chỉ định thầu cũng khá phức tạp, phải trải qua nhiều khâu. Đối với các gói thầu có giá trị nhỏ cũng mất khá nhiều thời gian và chi phí, giải ngân vốn đầu tư những tháng đầu năm thường chậm và dồn vào những tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Đức Thịnh kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng không nên quy định mức giá trị chỉ định thầu cụ thể mà giao Chính phủ quy định. Một lần nữa, câu chuyện luật khung và luật chi tiết lại dấy lên. Luật nào thì cũng cần cho cuộc sống, và khó khăn nhất vẫn là xác định vấn đề nào cần quy định khung, vấn đề nào cần quy định chi tiết.     

 

      Tính ổn định, bền vững của văn bản pháp luật về đầu tư XDCB cũng được đặt ra khi Đoàn giám sát nghe Bộ Tài chính “tố” Bộ Xây dựng liên tục sửa đổi cơ chế chính sách quản lý. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, thời kỳ 1980- 1990, các nghị định về quản lý đầu tư XDCB ít thay đổi, 3- 4 năm mới bổ sung, sửa đổi một lần, nhưng từ năm 1999 đến nay thì có sự sửa đổi, bổ sung liên tục. Ông Nghiệp nêu ví dụ: Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 16 quản lý đầu tư XDCB, chi phí đầu tư xây dựng công trình. Một năm sau đó, Nghị định 112 ra đời, sửa đổi bổ sung Nghị định 16. Nhưng chưa hết, một nghị định khác sửa đổi Nghị định 112 đang được Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo và chuẩn bị ra đời. Việc hướng dẫn của các bộ chức năng lại chậm và không đồng bộ. Nghị định liên tục được sửa đổi, bổ sung như vậy, các ban quản lý dự án có kịp hiểu mà áp dụng không?- một thành viên Đoàn giám sát nêu câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên. So sánh với việc Bộ Xây dựng có những định mức, đơn giá xây dựng quá lạc hậu, không tài nào áp dụng, có luồng ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh cơ chế chính sách nhanh là nhằm kịp thời đáp ứng biến động thực tế. Nhưng theo thành viên trên, thời gian thi công của các dự án, và làm cho dự án phát triển mới là thước đo chính xác nhất.

 

      Một vấn đề khác được Đoàn giám sát đặc biệt quan tâm là mô hình ban quản lý dự án. Báo cáo của Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra thực trạng: Các ban quản lý dự án phần lớn là kiêm nhiệm và chưa đủ thành phần theo quy định. Hầu hết trưởng ban, phó ban quản lý dự án không có chuyên ngành xây dựng và kinh nghiệm quản lý dự án. Thậm chí, một số ban quản lý dự án không có kỹ sư xây dựng làm kỹ thuật cho ban, ảnh hưởng lớn đến quá trình quản lý dự án. Ông Trần Ngọc Hùng cho biết Luật Xây dựng quy định trong trường hợp chủ đầu tư nếu không đủ năng lực thì có thể thuê tư vấn giám sát, quản lý từng phần, nhưng không mấy bộ, ngành làm vậy. “Bởi chúng tôi không biết thuê ai, khi cả nước hiện mới đang có 2 công ty tư vấn chuyên nghiệp. Thuê nước ngoài thì tiền đâu? Chưa kể mức chi phí quy định của ban quản lý dự án không cho phép”, một vị đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luân kể: Bộ này cho phép dự án Đại học Tây Bắc thuê tư vấn, ban quản lý nhưng kiếm ở Sơn La cả tháng trời không được ai vì những người có chuyên môn đã bị hút hết vào công trình thủy điện Sơn La. Về Hà Nội tìm người cũng không được.

 

      Nếu ví cuộc giám sát của UBTVQH như là vẽ ra một bức tranh tổng thể về chính sách pháp luật đối với đầu tư XDCB sử dụng vốn ngân sách thì tuần khởi động đã mang lại những nét phác họa quan trọng. Đoàn giám sát đã có “lưng vốn” kha khá, chuẩn bị cho hành trình về giám sát ở các địa phương trong tuần tới và tuần tiếp đó.

Hồng Loan

(http://nguoidaibieu.com.vn)