HĐND thành phố Hà Nội chất vấn: Môi trường làm “nóng” hội trường

13/12/2008

NDĐT - Sáng 11-12, HĐND Hà Nội phiên chất vấn ba nhóm vấn đề “nóng”: môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xã hội hóa (XHH) y tế, giáo dục. Đại diện UBND thành phố đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, đưa ra những giải pháp cụ thể cho thời gian tới dù một số phần trả lời còn chung chung, chưa thỏa đáng.

Ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng

Là người đầu tiên trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch (PCT) UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh - chia sẻ với các vị đại biểu HĐND vấn đề ô nhiễm môi trường, một vấn đề mới, rộng lớn, đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như phát triển kinh tế của thủ đô.

Ông cũng cho biết thông tin "để giảm được 10% nước thải ô nhiễm thành phố cần đầu tư khoảng 1.100 tỷ và 100 tỷ bảo dưỡng".

PCT Vũ Hồng Khanh cũng cam kết: Năm 2009, thành phố sẽ tập trung xử lý những lĩnh vực “nóng”, bức xúc nhất như ô nhiễm không khí, rác thải y tế, nước thải, ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện, khu, cụm công nghiệp, làng nghề và đưa ra một số mục tiêu sau:

* Đến năm 2015, 40% lượng nước sông, hồ ở Hà Nội không còn ô nhiễm.

* Thành phố sẽ xây dựng Đề án tổng hợp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trình HĐND thành phố thông qua trước ngày 30-12-2009. Tháng 5- 2009 ra quân bảo vệ môi trường, triển khai thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, khi có kết quả sẽ triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn.

*Kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp, cơ sở kinhdoanh, dịch vụ, bệnh viện phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

* Xử lý triệt để 10 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại. Trong năm 2009 xử lý dứt điểm hai bệnh viện, một bãi rác và ba cơ sở công nghiệp, phấn đấu đến tháng 6-2010 xử lý xong một bãi rác và ba cơ sở công nghệp còn lại.

* Phấn đấu xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, không khí, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các quận, huyện, bổ sung cán bộ môi trường cho cấp quận, huyện, phường, xã…

Trước thực trạng các khu, cụm công nghiêp ở Hà Nội đang gây ô nhiễm nặng, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi: Nhà máy bia Kim Bài (Thanh Oai) xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài trong nhiều năm khiến người dân ở đây rất bức xúc. Sau khi người dân địa phương phản đối quyêt liệt, nhà máy phải bỏ ra gần chục tỉ đồng khắc phục. Trách nhiệm xảy ra ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp, làng nghề thuộc về cơ quan nào?

PCT Vũ Hồng Khanh trả lời: Khi phê duyệt dự án khu, cụm công nghiệp các cơ quan chức năng của thành phố đều căn cứ vào đánh giá tác động môi trường nhưng quá trình thực hiện lại chưa được nghiêm túc. Trách nhiệm này thuộc Ban quản lý dự án. Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra tình trạng ô nhiễm tại các khu vực này, ngoài việc xử phạt thì có thể rút giấy chứng nhận môi trường, áp dụng hình thức xử phạt cao hơn nếu các doanh nghiệp tiếp tục vi phạm.

Tán thành với kế hoạch, giải pháp trên nhưng đại biểu Nguyễn Hoài Nam tỏ ra băn khoăn về cách khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề nên tái chất vấn: Xử lý kiên quyết là rất cần thiết để răn đe, ngăn ngừa vi phạm nhưng áp dụng cách làm này với các làng nghề truyền thống thì chưa ổn, liệu tất cả các làng nghề phải dừng hoạt động? Biện pháp hỗ trợ các làng nghề khắc phục ô nhiễm môi trường của thành phố như thế nào?

PCT Vũ Hồng Khanh khẳng định: Làng nghề liên quan đến đời sống, việc làm của người dân nông thôn, hiện Hà Nội có hơn 1000 làng nghề nên thành phố sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, quy hoạch các làng nghề, vừa xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm vừa tổ chức, sắp xếp lại.

Đại biểu Bùi Thị An nêu câu hỏi vốn được cử tri Hà Nội rất quan tâm: Khi nào thành phố di chuyển dứt điểm các cơ sở độc hại ra ngoài, công khai các cơ sở này phải di chuyển để người dân giám sát?

PCT Vũ Hồng Khanh cho biết: Năm 2009 thành phố sẽ dứt điểm di chuyển bảy cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, một cơ sở sẽ di chuyển vào đầu năm 2010. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở ngoại thành sẽ thực hiện theo lộ trình, không thể thực hiện trong cùng một lúc.

Cả thành phố chỉ có một chợ đầu mối rau sạch!

Có hơn mười câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND về vấn đề VSATTP, bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng khó kiểm soát chất lượng thực phẩm, trong đó “nóng” nhất là vấn đề rau an toàn.

Đại biểu Bùi Thị An đặt câu hỏi: Các cơ sở rau an toàn liệu có chất lượng? Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Thành phố hỗ trợ như thế nào để phát triển vùng rau an toàn? Đại biểu Nguyễn Hữu Thắng: Hiện kinh doanh rau an toàn hiệu quả thấp, siêu thị nội thành hàng trưng bày rau ít bởi càng trưng bày càng lỗ, chưa hình thành các cửa hàng chính thống để người dân vào mua. Vậy giải pháp của thành phố để khắc phục bất cập này?

PCT Đào Văn Bình thừa nhận hiện tồn tại tình trạng người trồng rau dùng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, dùng phân tươi tưới rau. Hiện thành phố có 8 chợ đầu mối bán rau (một chợ sạch, bảy chợ rau không rõ nguồn gốc), 2.600 ha rau an toàn, 100 cửa hàng rau an toàn.

Các cửa hàng rau an toàn về cơ bản là đủ điều kiện, được quản lý toàn bộ quy trình từ sản xuất, thu mua đến tiêu thụ. Đầu tư cho một ha rau an toàn hiện cần 100 triệu đồng nên cùng với phương thức xã hội hóa thành phố sẽ có kinh phí hỗ trợ, như tỉnh Hà Tây (cũ) từng hỗ trợ 30 triệu đồng /1 ha rau an toàn.

Giải pháp cho vấn đề VSATTP tại Hà Nội trước hết là đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho người sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, thành phố sẽ thành lập một chi cục quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Sở Y tế để kiểm soát thực phẩm tại các cửa ngõ thành phố, tiến hành kiểm tra, kiểm sóat thực phẩm, rau quả bằng mã số, mã vạch, mỗi người dân cần là một khách hàng thông thái khi mua thực phẩm...

Là lần đầu tiên chất vấn HĐND thành phố Hà Nội nên phần trả lời của PCT Đào Văn Bình khiến nhiều đại biểu cảm thấy chưa thỏa đáng. Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đặt lên trên vai trò của người tiêu dùng.

Xã hội hóa chậm vì “vướng” thủ tục

Được sự ủy quyền của UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trả lời chất vất HĐND về công tác XXH y tế, giáo dục. Đại biểu Lê Văn Điềm đặt câu hỏi: Hiện các cơ sở y tế quận, huyện ở Hà Nội đang thiếu cán bộ, bác sĩ chuyên sâu. Báo cáo XXH của thành phố về lĩnh vực y tế (cụ thể là xây dựng mới bệnh viên) mới đề cập đến việc phát triển các bệnh viện tư nhân, trong khi bệnh viên công quá tải. Thành phố sẽ làm gì để khắc phục? Đại biểu Lê Anh Tuấn đặt vấn đề: Nên có ưu tiên ưu đãi về đầu tư nhiều hơn cho nhà đầu tư xây dựng bệnh viên tư. Vướng mắc về thủ tục hành chính khiến XXH y tế chậm lại, có dự án xây dựng bệnh viện được cấp giấy phép đầu tư 2-3 năm nhưng chưa giải phóng được mặt bằng.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Vừa qua, thành phố đã đầu tư 300 tỷ đồng để XHH các cơ sở y tế, phòng khám, cơ sở chữa bệnh. Để khắc phục tình trạng quá tải các bệnh viện trong nội thành, tới đây thành phố sẽ đầu tư nhiều bệnh viện ra ngoại thành, thành phố đang tiếp tục đầu tư xây dựng 13 bệnh viện tuyến huyện ở khu vực Hà Tây 9 cũ) và ba bệnh viện ở Gia Lâm, Đông Anh. Thành phố cũng sẽ nhanh chóng thảo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, cải tiến một loạt các văn bản về lĩnh vực đầu tư để đẩy mạnh XXH y tế.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh, những năm gần đây Thành uỷ, HĐND, UBND luôn có những chương trình, kế hoạch hành động về công tác XHH. Nhưng có thực tế cần suy nghĩ là ba năm gần đây, ngân sách dành cho giáo dục đều không sử dụng hết nên cùng với XXH cần phải sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư phát triển. Thành phố cần công khai rõ hơn quy hoạch đất dành cho y tế, giáo dục. Hiện còn nhiều khu đất để xây dựng cơ sở y tế, giáo dục chưa triển khai (như ở các khu đô thị mới). Thành phố cần phải cải cách thủ tục hành chính trong công tác XXH y tế, giáo dục.

Hầu hết các nguồn nước thải từ các khu, cụm công nghiệp. làng nghề, khu dân cư ở Hà Nội đều không được xử lý hoặc chưa được xử lý theo quy định, chưa đạt tiêu chuẩn khi xả ra các sông, hồ.

Chỉ có 1/10 khu công nghiệp tập trung mới, 2/25 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải được xử lý mới đạt 20- 30%. Chỉ có 19/37 bệnh viện được kiểm tra có hệ thống xử lý nước thải (hiện trên địa bàn có 110 bệnh viện).

Hiện còn 11 huyện tồn tại tình trạng đổ rác tại các điểm lộ thiên không được quy hoạch thậm chí sử dụng các ao hồ làm nơi chứa rác thải gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

 

VĨNH HOÀNG

(http://www.nhandan.com.vn/)