ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN: CẦN GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐỂ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ

04/01/2022

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 04/01, các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thảo luận tại tổ về về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì thảo luận.

 

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia thảo luận, các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thống nhất đánh giá, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo; đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với quy mô chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề:

Thứ nhất, về danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng: Cần rà soát kỹ danh mục các dự án, đảm bảo việc lựa chọn các dự án đưa vào danh mục đầu tư cần bám sát các nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn thứ tự ưu tiên danh mục các dự án đầu tư theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, giai đoạn 2022-2023: Các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa và đã cơ bản chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; Các dự án quan trọng nhưng còn dở dang do thiếu vốn, chú trọng tính hài hòa các vùng, miền, lĩnh vực; quan tâm vùng dân tộc thiểu số, vùng trung du miên núi phía Bắc; Các dự án có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế. Đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội thì ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng; Bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022- 2023; Các dự án mang tính cấp thiết, là điểm nghẽn của nền kinh tế khi đưa vào khai thác sẽ đạt hiệu quả lan tỏa. Trong trường hợp bố trí vốn cho các dự án ngoài danh mục   kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2021-2025 và các dự án quan trọng quốc gia phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả và cá thể hóa trách nhiệm cam kết kịp thời giải ngân vốn trong năm 2022-2023.

Thứ hai, về giải pháp huy động nguồn lực: Việc huy động thêm một số quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước (như Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp) là hợp lý và cần thiết, tuy nhiên đề nghị xác định cụ thể số liệu còn dư của các doanh nghiệp tại Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời cần tiếp tục rà soát để tăng năng lực huy động của một số quỹ như Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề nghị bổ sung giải pháp lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để đầu tư, nâng cấp, phát triển y tế cơ sở, tín dụng ưu đãi giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân ngay từ những tháng đầu năm.

Đối với nội dung: Trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Phương án nêu trong dự thảo Nghị quyết “Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính.” Phương án này thể hiện sự động viên và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục ủng hộ, tài trợ không chỉ bằng tiền, mà bằng cả hiện vật để hu hút thêm các nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên việc ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật cần bổ sung quy định và hướng dẫn cụ thể về xác định giá trị của hiện vật ủng hộ hoặc tài trợ theo giá trị thực tế, kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp để tránh trường hợp lợi dụng, nâng giá trị hiện vật ủng hộ, để tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp./.

Thu Hoài