ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM GÓP Ý CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HCM

12/07/2022

Chiều 12/7, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.HCM tổ chức hội nghị góp ý về dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM và báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội.


Toàn cảnh hội nghị

Tham dự, chủ trì hội nghị có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH Tp.HCM. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.HCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM…

Tại buổi góp ý, các ĐBQH đánh giá, Nghị quyết số 54 đã trao một số cơ chế đặc thù cho Tp.HCM và những chính sách đặc thù này đã tạo động lực mới, tích cực để một đô thị đặc biệt, đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 54 thời gian qua chưa mang lại kết quả như mong đợi và đề nghị UBND Tp.HCM cần phân tích sâu các nguyên nhân, tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 trình Quốc hội.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Góp ý cụ thể vào một số điểm của báo cáo, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Tp.HCM đề nghị, trong báo cáo tổng kết cần nêu rõ những thành tựu đạt được qua thực hiện thí điểm Nghị quyết, đồng thời, nêu rõ đặc điểm tình hình của Tp.HCM khi thực hiện Nghị quyết 54. Trong đó, đặc điểm tình hình, cần có phụ lục gắn với đặc thù của Tp.HCM: là địa phương đông dân nhất, mật độ dân số đông nhất cả nước, kinh tế lớn nhất, cường độ lớn nhất cả nước; năng suất lao động, Tp.HCM là nơi có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước; là đô thị có tỷ lệ mật độ đường giao thông thấp nhất cả nước; là địa phương có tỷ lệ công chức phục vụ người dân lớn nhất cả nước,…

“Vấn đề điều tiết ngân sách cho Tp.HCM, giữ ổn định tỷ lệ điều tiết trong 10 năm tới là “tự trói buộc” mình. Khi kiến nghị thực hiện Nghị quyết 54 đã xây dựng lộ trình, sắp tới 2023 - 2025 nên xin Quốc hội tỷ lệ 23%, và tăng dần lên”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân góp ý thêm.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Tp.HCM thống nhất một số nội dung UBND Tp.HCM đưa ra trong dự thảo Nghị quyết mới. Tuy nhiên, cần phải lý giải thêm việc đưa thêm các nội dung mới vào để có cơ sở thuyết phục các đại biểu khi đưa ra trình Quốc hội. Đồng thời, ủng hộ tỷ lệ thu phí lệ phí để điều chỉnh hành vi, thống nhất duy trì nội dung này trong dự thảo. Về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Tp.HCM, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng nếu giữ được tỷ lệ 21%, trong 10 năm thì khó cho Tp.HCM, nhưng nếu tăng cho Tp.HCM quá nhiều thì ảnh hưởng đến Trung ương, do vậy, nếu giữ mức 21%, Tp.HCM sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.

Còn ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho rằng, Tp.HCM cần đánh giá rõ tình hình Tp.HCM đã sử dụng hết chức năng, quyền hạn của Nghị quyết 54 chưa, để kiến nghị ban hành một Nghị quyết mới thay thế. Vì nếu chưa sử dụng hết thì chỉ có thể bổ sung quyền hạn chứ không thể xin một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết cũ được.

Kiến nghị về số lượng công chức đáp ứng cho nhu cầu thực tế công việc tại Tp.HCM, ĐBQH Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy Quận 1 cho rằng, không chỉ tính trên số lượng dân số trên địa bàn, mà phải tính đến khối lượng công việc thực tế cần giải quyết trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến góp ý tại hội nghị

ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, trong báo cáo Nghị quyết 54 có phần thu hút chuyên gia nhà khoa học nhưng tỷ lệ vẫn còn hạn chế, do vậy cần phân tích rõ hơn về mặt chưa đạt được. Đồng thời, trong thời gian tới Tp.HCM có cần phải xây dựng cơ chế thu hút người tài, để phục vụ cho sự phát triển của Tp.HCM.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, đồng chí Phan Văn Mãi cảm ơn các ý kiến đóng góp mang tính toàn diện của các ĐBQH. Đây là hội nghị đầu tiên ghi nhận góp ý của các ĐBQH, sau cuộc này tiếp tục ghi nhận những đóng góp ý kiến của ĐBQH Trung ương và Tp.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ và nhân dân để hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội; đồng thời, xây dựng một dự thảo Nghị quyết mới toàn diện hơn để trình Ban Thường vụ Quốc hội. Tinh thần là Tp.HCM kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà Tp.HCM cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước. Khi đề nghị ban hành Nghị quyết mới thay thế, Tp.HCM cũng tính toán theo hướng là việc gì làm được thì thực hiện luôn không thực hiện thí điểm.

(Theo Trang điện tử Đảng bộ Tp.HCM)