Quang cảnh cuộc khảo sát
Cùng tham gia có các ông, bà: Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Hoàng Thị Thu Hiền - Ủy viên; đại diện lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và một số sở, ngành cấp tỉnh.
Đề xuất bổ sung hành vi bạo lực gia đình gây áp lực học tập
Đoàn đại biểu Quốc hội đã dành thời gian tìm hiểu hoạt động của Câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc” tại xóm Vĩnh Long, xã Nghi Long (Nghi Lộc) được thành lập năm 2019 với 44 thành viên tham gia.
Ngoài vai trò nòng cốt tuyên truyền, vận động, hoà giải, thuyết phục các hành vi, biểu hiện về bạo lực gia đình của các thành viên trong câu lạc bộ còn huy động sự vào cuộc của chi uỷ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở xóm khi có vụ việc xảy ra trên địa bàn xóm để tìm giải pháp xử lý.
Ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đặt ra một số vấn đề cần làm rõ liên quan giữa mâu thuẫn gia đình và bạo lực gia đình. Ảnh: Mai Hoa
Nhờ đó, nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình của người dân trên địa bàn xóm được nâng lên và trực tiếp hoà giải 2 vụ việc, 1 vụ liên quan đến việc gây áp lực tâm lý của gia đình khiến một người trẻ bỏ nhà ra đi và 1 vụ mẫu thuẫn vợ chồng do ghen tuông.
Đoàn cũng trực tiếp khảo sát ý kiến của người dân về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) liên quan đến một số nội dung mới trong dự thảo được coi là bạo lực gia đình, như trường hợp con cái ngăn cấm cha, mẹ tìm bạn đời; hành vi chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm trong gia đình; bỏ rơi, bỏ mặc không chăm sóc các thành viên trong gia đình; phân biệt giới tính khi phân chia tài sản thừa kế…
Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc phản ánh một số vấn đề từ thực tiễn thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Pháp lệnh 34. Ảnh: Mai Hoa
Làm việc với UBND huyện Nghi Lộc và xã Nghi Long, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đặt ra nhiều vấn đề muốn tìm hiểu, trọng tâm là những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (hiện hành) và Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; những vấn đề thực tiễn đang đặt ra mà chưa được quy định trong dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đề xuất góp ý bổ sung.
Theo khẳng định của huyện và xã, triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (hiện hành) và Pháp lệnh 34 của Quốc hội, nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện quy chế dân chủ trong hệ thống chính trị và người dân được nâng lên; phát huy tốt vai trò các tổ hoà giải được thành lập ở các thôn, xóm trong việc ngăn ngừa hoặc hoà giải thành công các hành vi bạo lực gia đình, giải tỏa để "việc to thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì".
Việc thực hiện quy chế dân chủ đã tạo thuận lợi cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghi Long kiến nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến 2 dự án luật. Ảnh: Mai Hoa
Bên cạnh đó, huyện Nghi Lộc và xã Nghi Long cũng nêu một số khó khăn và bổ sung góp ý một số nội dung vào 2 dự án luật. Như khó nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, chỉ nhận diện bạo lực gia đình về thể xác, gây thương tích, còn các hành vi bạo lực về tinh thần hay các mặt khác thì chưa; khó phát hiện, chỉ khi vụ việc xảy ra mới phát hiện; khó can thiệp, bởi liên quan đến nội bộ gia đình; khó xử lý, chỉ trừ khi gây thương tích phải xử lý hình sự. Bởi vậy, cần cụ thể hoá các hành vi bạo lực gia đình và quy định về chế tài cụ thể cho từng hành vi để tạo hiệu quả trong công tác tuyên truyền cũng như thực hiện.
Đề xuất bổ sung vào dự án luật hành vi áp đặt quá mức về học tập, về lựa chọn nghề nghiệp đối với con từ phía phụ huynh là hành vi bạo lực gia đình. Mặt khác, mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình liên quan đến tranh chấp lợi ích kinh tế, trong quyền thừa kế đất đai là vấn đề đặt ra trong thực tiễn mà việc hàn gắn cũng khó khăn, vì vậy, cần có nội dung này trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình mới.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tặng quà cho 2 gia đình người có công với cách mạng tại xóm Vĩnh Long, xã Nghi Long (Nghi Lộc). Ảnh: Mai Hoa
Về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần quan tâm quy định đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính ở cơ sở. Một số ý kiến cũng góp ý về hình thức công khai ở cơ sở; việc thành lập ban thanh tra, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở…
Tiếp tục quan tâm phòng ngừa bạo lực gia đình
Trên cơ sở ý kiến tham gia, góp ý của huyện và xã, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu để nghiên cứu tham gia vào quá trình xây dựng luật của Quốc hội; đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục nghiên cứu, bổ sung ý kiến góp ý, làm sâu sắc hơn các vấn đề từ thực tiễn gửi cho đoàn.
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị huyện Nghi Lộc và xã Nghi Long tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Pháp lệnh 34. Ảnh: Mai Hoa
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng mong muốn chính quyền huyện và xã tiếp tục quan tâm tuyên truyền, phát huy vai trò các tổ hoà giải, các câu lạc bộ và đoàn thể ở các khối, xóm chủ động nắm bắt và thực hiện tốt công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, tránh để xảy ra các vụ việc đáng tiếc, đau lòng từ bạo lực gia đình.
Quan tâm đến giải pháp hoà giải, nhưng cũng cần có thái độ để xử lý những trường hợp cần phải xử lý, tạo sự răn đe và phòng ngừa. Chính quyền các cấp cũng cần quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về dân chủ ở cơ sở, tạo động lực và sự đồng thuận thúc đẩy sự phát triển của địa phương.