ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TẠI VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH

25/08/2022

Chiều 25/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tố tụng hình sự tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.


Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum giám sát tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ảnh: TVP

Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về tố tụng hình sự trong thời gian từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/5/2022. Theo đó, sau khi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến, quán triệt, triển khai, thực hiện để cán bộ, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh nắm vững các nội dung, nhất là những điểm mới, những điểm sửa đổi, bổ sung có liên quan trực tiếp, thường xuyên đến lĩnh vực công tác và các văn bản hướng dẫn, qua đó thống nhất về nhận thức và vận dụng đúng vào thực tiễn công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Trong cùng thời gian trên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum đã thụ lý 133 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và đã xử lý 117 tố giác, tin báo về tội phạm; đang giải quyết 16 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 152 vụ với /288 bị can, đề nghị truy tố 100 vụ với 216 bị can, đình chỉ 1 vụ với 4 bị can, tạm đình chỉ 9 vụ với 2 bị can, đang giải quyết 42 vụ với 66 bị can, tham gia đối chất 13 lượt, nhận dạng 4 lần, khám xét 5 lần, thực nghiệm điều tra 2 lần, tham gia hỏi cung 55 lần; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết 106 vụ với 236 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 103 vụ với 245 bị cáo…  

Các đại biểu tham dự buổi giám sát tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật tố tụng hình sự; đồng thời, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp như thế nào là “có yếu tố nước ngoài” trong vụ án hình sự; thế nào là “hết thời hạn điều tra vụ án” để làm căn cứ tạm đình chỉ đối với vụ án; việc xác định vật chứng nào là vật không có giá trị sử dụng, hoặc sử dụng không được để làm căn cứ chính xác làm cơ sở xử lý theo đúng quy định; các biện pháp xác minh được áp dụng trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố…

Phát biểu kết thúc buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; đồng thời, đề nghị tổng hợp các nội dung đề xuất của các thành viên trong Đoàn giám sát gửi về Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tổng hợp để gửi đến các cơ quan chức năng của Quốc hội xem xét giải quyết.

(Theo Báo điện tử Kon Tum)