Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác chống bão tại Đại Lộc
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru
Cùng đi có đồng chí Phan Đại Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Công an tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cùng đoàn công tác và lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu kiểm tra những vùng ngập nặng ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Thành Duy
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu xảy ra mưa lớn tính đến 10 giờ ngày 29/9/2022 là 367 mm, lũy kế lượng mưa cả năm 2022 là 2.128,3 mm đã gây thiệt hại về sản xuất và dân sinh.
Theo báo cáo nhanh của huyện Quỳnh Lưu, tính đến 10 giờ ngày 29/9/2022, nước dâng cao đã tràn vào nhà 5.559 hộ ở các xã: Quỳnh Lâm, Quỳnh Yên, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hồng, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Thọ… 8 hộ dân tại xã Quỳnh Tam, Quỳnh Nghĩa phải di dời; 701 hộ tại xã Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn, Tân Thắng bị nước cô lập; 3 nhà dân tại xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Tam bị tốc mái.
Trên địa bàn bị sạt lở bờ đê sông, hồ đập với tổng chiều dài 220 m tại xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tam, trong đó đập Hóc Cối xã Quỳnh Tam bị sạt lở 20 m. Huyện đã huy động trên 150 người gồm cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 16, bà con Giáo xứ Phú Xuân, Công an, quân sự xã, nhân dân... tích cực gia cố ngay trong đêm và đã hoàn thành.
Mưa to, nước lên nhanh làm thiệt hại 22 ha lúa mùa ở xã Quỳnh Châu, Tân Sơn, Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn; 1.333 ha ngô, rau màu các loại ở các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Tân, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Văn, Diễn, Quỳnh Giang, Quỳnh Thanh… bị ngập.
Chiều nay, trời vẫn mưa rất to ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Thành Duy
Diện tích nuôi trồng thủy sản: 950 ha nuôi thủy sản, trong đó 106 ha nuôi tôm bị thiệt hại; 5.978 gia súc, gia cầm bị chết; 4.255 tấn muối trong kho của bà con diêm dân bị ngập. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 99/101 hồ đập chảy tràn.
Trong bối cảnh đó, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thành lập 2 đoàn công tác, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục khó khăn các điểm ngập lụt sâu; thành viên Ban chỉ huy, các Tiểu ban chỉ huy Phòng chống thiên tại - tìm kiếm cứu nạn huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo triển khai phương án phòng chống theo phương châm "4 tại chỗ", khắc phục thiệt hại, hỗ trợ di dời tài sản của các hộ dân đến nơi an toàn.
Quỳnh Lưu cũng tập trung vận hành hồ đập, trực theo dõi các hồ đập đã chảy tràn, ách yếu, sớm cảnh báo đoạn đường bị ngập sâu nguy hiểm, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình bị ngập lụt. Phòng Giáo dục huyện đã yêu cầu tất cả các trường cho học sinh nghỉ học ngày 29/9/2022 để đảm bảo an toàn.
Cũng trong chiều nay, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý và đoàn công tác đã về kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại thị xã Hoàng Mai.
Đoàn công tác kiểm tra điểm sạt lở trên Quốc lộ 48D thuộc địa phận xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Thành Duy
Kiểm tra việc ứng phó với mưa lũ tại các xã vùng bị ngập sâu tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, điểm sạt lở trên Quốc lộ 48D đoạn qua xã Quỳnh Vinh và việc xả lũ tại hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chỉ đạo, lưu ý các cơ quan chức năng của huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai một số nội dung như: Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, cắt cử người bảo vệ, canh gác ở những điểm ngập sâu, điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ không cho người và phương tiện đi qua. Đồng thời tập trung nhân lực, vật lực để thông tuyến Quốc lộ 48D nhanh nhất. Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn về điện trong bối cảnh bị ngập lụt.
Với việc xả lũ ở hồ Vực Mấu hiện nay với 2 cửa xả, tuy nhiên đơn vị vận hành cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết và có phương án đảm bảo an toàn cao nhất.
Các lực lượng chức năng đang tiến hành san gạt đất đá. Ảnh: Thành Duy
Dự báo thời tiết còn diễn biến phức tạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An yêu cầu chính quyền địa phương Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động phát huy phương án 4 tại chỗ trong phòng chống lụt; đặc biệt chú ý đến những đối tượng yếu thế như người già, trẻ nhỏ, cần phải sơ tán dân vùng ngập, sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn...
Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kiểm tra việc xả lũ tại hồ Vực Mấu. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng nhấn mạnh, các địa phương phải chú ý các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, ngay khi nước rút phải thực hiện ngay việc tiêu độc, khử trùng, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát sau lũ.