ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC NINH LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU SỬA ĐỔI, LUẬT GIÁ SỬA ĐỔI

13/10/2022

Chiều ngày 12/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, trong đó có dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân chủ trì hội nghị.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH LẤY Ý KIẾN VÀO 2 DỰ ÁN LUẬT

 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 98 Điều, được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách bao gồm: Nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Cho ý kiến đối với quy định về các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, đại biểu đề nghị cần phải xem xét lại việc hủy thầu trong trường hợp “thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư của dự án trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư” (nghĩa là bao gồm tăng hoặc giảm vốn đầu tư). Bởi trên thực tế khoảng thời gian từ khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định danh mục dự án đầu tư kinh doanh đến khi đóng thầu để đánh giá lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu ít nhất cũng khoảng 6 tháng, thậm chí 1 năm. Trong khoảng thời gian này sự biến động giá cả, vật tư, vật liệu, thiết bị, máy móc, nhân công....có thể ảnh hưởng lớn đến tổng mức đầu tư trong quyết định chủ trương đầu tư của dự án với Tổng mức đầu tư trong hồ sơ đề xuất của các nhà đầu tư tham gia dự thầu. Do đó, nếu có nhà đầu tư đề xuất mức vốn đầu tư cao hơn mức vốn đầu tư trong Quyết định chủ trương đầu tư mà phải dẫn đến hủy thầu thì đi ngược với mục tiêu của công tác đấu thầu.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần làm rõ thêm vấn đề đấu thầu thuê đất, hạ tầng của Nhà nước.

Mặt khác, một trong những mục tiêu chính của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực kinh nghiệm, trong đó năng lực tài chính để mang lại hiệu quả kể cả của nhà đầu tư và kể cả của nhà nước. Do đó đề xuất sửa theo hướng hủy thầu trong trường hợp các nhà đầu tư đề xuất mức vốn đầu tư thấp hơn so với mức vốn đầu tư trong quyết định chủ trương đầu tư còn cao hơn thì không huỷ.

Các ý kiến cũng đánh giá cao Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã bổ sung các quy định nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Đại biểu lấy ví dụ, tại điều 89 của Luật Đấu thầu hiện nay cấm nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu, dẫn đến rất nhiều vướng mắc cho các chủ đầu tư.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có 8 chương, 72 điều được xây dựng trên cơ sở 9 nhóm chính sách về giá. So với Luật hiện hành, dự thảo đã bổ sung 3 chương về: Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Ông Đỗ Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu là nội dung cự kỳ lớn, quan trọng của Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Góp ý vào Luật Giá (sửa đổi), các ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Giá để khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật giá và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Đối với quy định về bình ổn giá: thống nhất với giải pháp thứ 3 là bỏ các quy định về danh mục mặt hàng bình ổn giá. Luật chỉ quy định các nguyên tắc để xác định các trường hợp phải bình ổn giá, gắn với đó là các biện pháp bình ổn giá cụ thể, trong trường hợp cụ thể và căn cứ theo các nguyên tắc đã được quy định tại Luật, Chính phủ sẽ quyết định loại hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn và biện pháp bình ổn trong một khoảng thời gian cụ thể. Đối với Quy định phạm vi hiệp thương giá, đề nghị chỉ quy định hiệp thương giá đối với hàng hoá, dịch vụ quan trọng, được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế, có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán phụ thuộc lẫn nhau giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Việc mua sắm nhà nước thực hiện theo Luật đấu thầu và không thuộc phạm vi hiệp thương giá….

Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu; cho biết Đoàn sẽ tiếp thu, tập hợp ý kiến làm căn cứ để các đại biểu trong đoàn tham gia thảo luận xây dựng luật tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV./.

Dương Dung