THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: CẦN GIẢI PHÁP BÌNH ỔN GIÁ CẢ, TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI

22/10/2022

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 22/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành họp tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tại tổ 10, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần có giải pháp linh hoạt để bình ổn giá cả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 10 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai.

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong năm vừa qua, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, Quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%; nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ đã điều hành tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, cần đánh giá kỹ lưỡng các chỉ số, chỉ tiêu, phân tích kỹ các kết quả đạt được.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, thời gian có tình trạng khan hiếm xăng dầu ở nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh phía Nam. Chi phí doanh nghiệp tăng cao, tình hình giá cả có nhiều biến động, chậm ổn định, làm ảnh hưởng tới quá trình đầu tư, kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp bình ổn giá cả; đặc biệt cần có chiến lược ổn định giá xăng dầu về lâu dài; có thể xem xét kéo dài chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.

Đánh giá về công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện kết quả tương đối khả quan, có chuyển biến nhất định trong tham mưu, điều hành; tuy nhiên, các văn bản cụ thể hóa, chi tiết hoá các luật, nhiều văn bản có bất cập trước đây chậm được bổ sung, ban hành.

Tại Phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn 1 chỉ tiêu quan trọng không đạt được là tăng năng suất lao động (5,2%); tăng trưởng GDP cao nhưng chưa bền vững do vẫn phụ thuộc vào vốn và lao động. Tăng năng suất lao động quyết định đến tăng trưởng bền vững. Thu ngân sách Nhà nước thiếu bền vững, tăng thu chủ yếu từ đất; thu từ sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng không cao; thu hồi vốn Ngân sách Nhà nước tại các tổ chức kinh tế đạt thấp, ảnh hưởng tới thu ngân sách; xuất khẩu tại các doanh nghiệp trong nước thấp, chủ yếu xuất khẩu tại các doanh nghiệp FDI. Tăng trưởng doanh nghiệp cao.

Đối với vấn đề thu hút vốn đầu tư thấp hơn năm 2021, không đạt kế hoạch, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Đại biểu Hà Đức Minh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu

Quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Đức Minh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, tiến độ giải ngân còn chậm so với yêu cầu, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ tại một số bộ, ngành, địa phương. Đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, số lượng văn bản hướng dẫn có thể lên tới gần 200 văn bản trong thời gian tới, gây khó khăn cho cấp cơ sở trong việc nghiên cứu, thực thi, do vậy, cần có sự xâu chuỗi, tổng hợp để đảm bảo các Chương trình được thực thi hiệu quả.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, cử tri các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long băn khoăn, lo lắng về tình trạng nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được, tình trạng hàng giả hàng kém chất lượng, tình trạng khan hiếm xăng dầu, giá cả xăng dầu tăng cao… làm ảnh hưởng lớn tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm hơn đối với các tỉnh nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ nông nghiệp như hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, phân bón…; chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành quan tâm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp.

Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phản ánh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Theo đại biểu, thực tế tình trạng này đã diễn ra trong gần 2 năm qua và báo cáo hàng năm của Chính phủ năm về tình hình kinh tế đều có đề ra nhiệm vụ khắc phục, giải quyết vấn đề này tuy nhiên đến nay tình trạng này chưa cải thiện. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1/1/2023, nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.

Minh Hùng - Nghĩa Đức