THẢO LUẬN TẠI TỔ 15: NÊN ÁP MỨC GIÁ KHỞI ĐIỂM CHUNG CHO MỌI BIỂN SỐ ĐƯA RA ĐẤU GIÁ

26/10/2022

Sáng ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, chỉ nên áp một mức giá khởi điểm chung cho mọi biển số đưa ra đấu giá trong cả nước.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 15: “PHẤN KHỞI” NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC “CHỦ QUAN”

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Dự thảo nghị quyết đưa ra 5 chính sách. Cụ thể, chính sách 1 quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá. Quy định không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của Quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Về chính sách 2, xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá là mức giá thấp nhất, phù hợp với thực tiễn, theo đó xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số; Chính sách 3 quy định, trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó; Chính sách 4 quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá: Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, trong đó xác định rõ các nhóm quyền và nghĩa vụ đảm bảo các quyền cơ bản cho người trúng đấu giá, đồng thời phải bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người trúng đấu giá sau khi hết thời gian thí điểm; Chính sách 5 quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, cụ thể số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Về giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước cũng đã triển khai có hiệu quả việc đấu giá biển số xe hoặc tự chọn biển số xe theo sở thích.

Các ý kiến cũng thể hiện nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương; đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Góp ý cụ thể về mức giá đấu giá khởi điểm được quy định trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc chia ra hai mức giá khởi điểm ở Hà Nội và Hồ Chí Minh khác với mức giá ở các tỉnh khác là chưa có căn cứ, phù hợp. Đại biểu cho rằng, việc đấu giá biển số là ngẫu nhiên, chỉ nên để chung một mức giá cho tất cả.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ mong muốn, dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá lần này có thể thiết kế hẳn một quy trình tiến hành đấu giá hoàn toàn mới mang tính đổi mới, sáng tạo khác hẳn so với các quy định truyền thống trên nền tảng công nghệ hiện đại như một số nước trên thế giới đã làm.

Lấy ví dụ về việc tổ chức đấu giá biển số xe ở Singapore, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, tại nước này có 2 quy trình đấu giá rất hay. Đó là đấu giá thông thường diễn ra từ thứ 2 đến thứ 6; phiên đấu giá nhanh diễn ra vào thứ 7 và chủ nhật. Các biển số ngẫu nhiên được người tham gia tự do lựa chọn và đặt cọc số tiền đúng với mức đấu giá mình đưa ra; đến ngày cuối cùng phần mềm tự động công bố người trúng đấu giá, đảm bảo tiện lợi, minh bạch và công bằng. Đại biểu cho rằng, đây là mô hình hay mà chúng ta có thể học hỏi, áp dụng phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết chỉ nên quy định một mức giá khởi điểm chung cho các biển số đưa ra đấu giá. Cụ thể con số như thế nào sẽ do Chính phủ quy định và có giải trình hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần phải nhấn mạnh mục đích của việc đấu giá trước nhất là nhằm đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân, đề người dân được lựa chọn, sở hữu bất cứ biển số gì mà người thân thích, mong đợi. Mục đích tiếp theo mới là góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Trên tinh thần như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc thí điểm đấu giá biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen cũng là phù hợp. Đây là dự thảo thí điểm nên làm ở phạm vi vừa phải, sau đó chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh và có thể mở rộng đối tượng sau. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nước khác đã làm rất thành công vấn đề này, Việt Nam chúng ta cũng có thể làm được.

Ngoài ra để tránh việc đầu cơ biển số, các ý kiến đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung thêm quy định về việc thu hồi biển số xe đối với các trường hợp đã trúng đấu giá nhưng không đăng ký.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá 

Các ý kiến cũng thể hiện nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương

Ngoài ra để tránh việc đầu cơ biển số, các ý kiến đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung thêm quy định về việc thu hồi biển số xe đối với các trường hợp đã trúng đấu giá nhưng không đăng ký

Thu Phương – Phạm Thắng