THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CHỈ NÊN QUY ĐỊNH MỘT MỨC GIÁ KHỞI ĐIỂM ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ CHUNG ÁP DỤNG TRÊN CẢ NƯỚC
Chiều ngày 01/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Thảo luận ở Tổ 3 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận.
Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, tổng thể các hoạt động, chuẩn bị cho thời bình và khi có chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật là rất cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống chiến tranh; phòng, chống ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra; đồng thời dự án Luật này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hiện nay, chúng ta đã ban hành và đang tổ chức thực hiện nhiều Luật có liên quan đến nội dung phòng thủ dân sự, chủ yếu là các Luật Quốc phòng 2018; Luật An ninh quốc gia 2004; Luật Phòng cháy, chữa cháy 2013; Luật An ninh mạng 2018; Luật Phòng, chống thiên tai 2020; Luật Đê điều 2020; Luật Bảo vệ môi trường 2020... Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát thật kỹ các nội dung quy định tại dự thảo Luật này với quy định tại các Luật khác có liên quan, nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong tổ chức thực hiện các Luật, tránh chồng chéo.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Các nghị quyết của Đảng đã định hướng nghiên cứu xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, nhằm thể chế hóa thành đạo luật riêng, góp phần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Những quan điểm trong Nghị quyết của Đảng khẳng định, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, đòi hỏi phải có hệ thống luật pháp toàn diện, đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ...), trong đó phải có Luật Phòng thủ dân sự.
Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, nếu làm tốt công tác phòng thủ dân sự sẽ là một nhân tố quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, cũng là động lực để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như vậy, phòng thủ dân sự có vị trí chiến lược cả trong thời bình và trong thời chiến.
Các đại biểu tại Tổ 3.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về trang bị phòng thủ dân sự, hoạt động chỉ đạo điều hành, phân loại cấp độ phòng thủ dân sự…
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho ý kiến đối với Khoản 2, Điều 13 về Trang bị phòng thủ dân sự. Theo đó, điều này quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (chủ trì), phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp danh mục trang bị phòng thủ dân sự trong chiến tranh; đồng thời hướng dẫn việc sản xuất, dự trữ, sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và khi có tình huống xảy ra. Các Bộ, ngành tổng hợp danh mục trang bị phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, quy định như thế là chưa đầy đủ vì chỉ mới đáp ứng được yêu cầu về trang bị phòng thủ dân sự “trong chiến tranh” hoặc “khi có tình huống xảy ra”, chưa bao quát hết cả ba nội hàm của dự thảo Luật là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các thảm họa, sự cố. Mặt khác, quy định này cũng chưa coi trọng đúng mức vai trò, trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Do vậy, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung theo hướng bảo đảm thể hiện đầy đủ cả ba nội hàm trên và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của địa phương về vấn đề này.
Về Điều 18 về các biện pháp áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố và Điều 19 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, dự án Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định xác định chủ thể có trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện 9 biện pháp và 4 nội dung chuẩn bị đã nêu đó là cơ quan lãnh đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp.
Điều 20 về hoạt động chỉ đạo điều hành, dự án Luật chỉ mới quy định nội dung tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp (khoản 1) và cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương (khoản 2) là chưa đủ; chỉ mới phù hợp với cấp độ thảm họa, sự cố 1 và 2. Cần nghiên cứu bổ sung quy định nội dung công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy trong trường hợp xảy ra thảm họa, sự cố ở cấp độ 3 và 4 cho đầy đủ hơn. Ví dụ như về thẩm quyền, chủ tịch UBND cấp huyện được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1; Chủ tịch UBND cấp tỉnh được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2; Thủ tướng ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3. Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4 rõ ràng hơn.
Đối với Điều 21 về Phân loại cấp độ phòng thủ dân sự, quy định cấp độ thảm họa, sự cố được phân thành 4 cấp tăng dần theo mức độ rủi ro, bao gồm cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 và cấp độ 4 (tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự). Tuy nhiên, tại các Điều 22 (Thẩm quyền ban bố, công bố, bải bỏ cấp độ phòng thủ dân sự ) lại chỉ quy định thẩm quyền ban bố, hủy bỏ cấp độ thảm họa, sự cố đối với các cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3. Tương tự, tại Điều 24 (Phân công, phân cấp trách nhiệm ứng phó thảm họa, sự cố), dự thảo Luật cũng chỉ mới quy định thẩm quyền ứng phó thảm họa, sự cố cấp độ 1 (khoản 2), cấp độ 2 (khoản 3), cấp độ 3 (khoản 4). Như vậy, thẩm quyền ban bố, hủy bỏ và trách nhiệm ứng phó thảm họa, sự cố cấp độ 4 thuộc về chủ thể nào? Đại biểu mong cơ quan soạn thảo dự án Luật cần giải trình làm rõ thêm về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị cơ quan soạn thảo nên bổ sung giao cho một chủ thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước quy định trình tự, thủ tục ban bố, bải bỏ cấp độ phòng thủ dân sự cấp độ 4 để tránh lúng túng khi áp dụng.
Đại biểu Hoàng Văn Hữu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận ở Tổ.
Đề cập về cấp độ phòng thủ dân sự, đại biểu Hoàng Văn Hữu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng thuận với thẩm định của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần làm rõ phạm vi, tính chất ở các cấp độ. Ví dụ ở cấp độ 1 xác định là thảm họa sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn một huyện, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt không có khả năng lây lan sang địa phương khác. Ở cấp độ 2 trong phạm vi nhất định nhưng mở rộng ra địa bàn có thể lên 2 đến 3 huyện trong phạm vi một tỉnh. Ở cấp độ 3 và 4 là ban bố tình trạng khẩn cấp.
Cũng tại Phiên họp Tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, đa số các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là cần thiết, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Các đại biểu đóng góp ý kiến cho rằng, dự án Luật cần có những quy định phân biệt thành viên chính thức và thành viên liên kết; tiêu chuẩn quyền lợi cũng như trách nhiệm. Bên cạnh đó, cân nhắc bỏ quy định tất cả các thành viên hợp tác xã phải sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã; đồng thời mở rộng thêm, bổ sung thêm nội dung về chuyển đổi số và hỗ trợ vốn cho các đơn vị tiếp cận các nguồn vốn.../.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:
Các đại biểu tại Tổ 3 tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đại biểu Lê Hoàng Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật Phòng thủ dân sự đối với đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu quan điểm về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đại biểu Đinh Văn Thê- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đóng góp ý kiến tại Tổ.
Đại biểu Hoàng Văn Hữu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề cập về cấp độ phòng thủ dân sự trong dự án Luật Phòng thủ dân sự.