THẢO LUẬN TỔ 12: KHẲNG ĐỊNH SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ VỚI ĐẦY ĐỦ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN

01/11/2022

Chiều 01/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng về dự án Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết và làm rõ các cơ sở ban hành Luật; đồng thời đưa ra các kiến nghị đề xuất cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính khả thi và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng

Phát biểu tại Tổ 12, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương làm rõ thêm về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, nêu rõ phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, có vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm cho sự ổn định, phát triển bình thường của xã hội và đời sống của người dân. Để phòng thủ dân sự đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có các điều kiện, quan điểm, chủ trương, chính sách, chiến lược đến các kế hoạch, biện pháp để triển khai thực hiện, đặc biệt là cần phải có pháp luật để điều chỉnh, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương khẳng định việc xây dựng Luật phòng thủ dân sự tại thời điểm hiện nay hết sức quan trọng để thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng tại các nghị quyết, các chỉ thị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng thủ dân sự, đặc biệt là trong Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, bảo đảm đúng các quy định của Hiến pháp năm 2013 và xuất phát từ tình hình thực tiễn đặt ra, các biện pháp áp dụng được kiểm nghiệm qua thực tiễn thấy đúng và có hiệu quả cần được quy định trong Luật. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn chứng, từ thực tiễn phòng, chống dịch của Covid-19 vừa qua đòi hỏi thực hiện các biện pháp như cách ly xã hội, giãn cách xã hội nhưng trong các luật khác chưa có quy định.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm rõ phạm vi điều chỉnh Luật này quy định về hoạt động phòng thủ dân sự, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng thủ dân sự, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Trong đó, hoạt động phòng thủ dân sự được dự thảo của Luật quy định rõ bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh;  phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ  người dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và không chồng lấn với các luật chuyên ngành khác có liên quan và có tính khả thi cao, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ khái niệm về thảm họa và khái niệm về sự cố. Đây là hai vấn đề này không thể tách rời nhau, bởi nếu sự cố mà không khắc phục kịp thời thì sẽ xảy ra thảm họa. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng làm rõ sự cố trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự và sự cố thông thường. Theo đó, đối với sự cố thông thường sẽ thực hiện theo các luật chuyên ngành đã có. Đối với sự cố trong phòng thủ dân sự  là sự cố ở mưc độ cao hơn mà các luật khác chưa quy định và khi sự cố có nguy cơ vượt quá khả năng xử lý của các lực lượng chuyên ngành, chuyên trách của chính quyền địa phương thì căn cứ vào 4 yếu tố để xác định cấp độ phòng thủ dân sự từ đó áp dụng các biện pháp tương ứng. 4 yếu tố tiêu chí được xác định trong dự thảo Luật gồm phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố; đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố; diễn biến khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố và khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng lấn với các luật chuyên ngành khác có liên quan và có tính khả thi cao

Khái niệm của phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật đã kế thừa toàn bộ các khái niệm về phòng thủ dân sự tại Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và so với khái niệm phòng thủ dân sự ở Luật Quốc phòng có bổ sung thêm về phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh để bảo đảm đầy đủ hơn. Theo đó, khái niệm về phòng thủ dân sự được thể hiện là các nội dung cơ bản. Đó là phòng thủ dân sự là một bộ phận phòng thủ đất nước.  Làm tốt việc phòng thủ dân sự sẽ giảm thiểu được thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân nhằm phục hồi ổn định chính trị, xã hội và góp phần giữ vững tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Phòng thủ dân sự được thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh đây là nội dung trọng điểm và xuyên suốt được thể hiện rõ trong các điều khoản của dự thảo Luật.

Làm rõ về yêu cầu thực tiễn của việc ban hành Luật, đại biểu Nguyễn Minh Quang - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết thêm trước tình hình diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tình hình thiên tai, dịch bệnh như hiện nay đòi hỏi yêu cầu các quốc gia cần tăng cường năng lực phòng thủ dân sự. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Pháp và đặc biệt tại các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thailand, Malaysia và Singapore đã cho thấy sự cần thiết của phòng thủ dân sự.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng 

Điểm lại một số sự cố trong nước thời gian qua như sự cố môi trường, sự cố hỏa hoạn và hiện nay là tình hình dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh yêu cầu phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế xã hội. Yêu cầu này đòi hỏi phải có các biện pháp và phải được luật hóa để có cơ sở pháp lý và phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ, tích cực, chủ động trong phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các sự cố, các thảm họa.

Bày tỏ thống nhất cao với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh phòng thủ dân sự là một bộ phận phòng thủ đất nước. Đối tượng của phòng thủ dân sự trên các lĩnh vực thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Như vậy là không phải sự cố nào cũng là đối tượng của phòng thủ dân sự mà chỉ những sự cố gây thiệt hại hoặc có thể gây ra thảm họa hoặc nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia cao nhất mới áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng, chống.

Bên cạnh đó, đề tiếp tục hoàn hiện dự thảo Luật một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm cụ thể trong giải thích từ ngữ, rõ nội hàm các khái niệm “thảm họa”, “sự cố”, “đối tượng dễ bị tổn thương”; bổ sung khái niệm “lực lượng tham gia phòng thủ dân sự”; phân định rõ nhóm biện phap phòng, nhóm biện pháp chống và nhóm biện khắc phục để từ đó có quy định về nguyên tắc hoạt động phù hợp.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cần tiếp tục rà soát các định nghĩa, giải trình từ ngữ trong dự thảo Luật thể hiện rõ hơn, thống nhất và định tính hơn. Đại biểu dẫn chứng thảm họa là biến động do thiên nhiên nhưng chưa rõ tính chất, mức độ như thế nào là biến động thiên nhiên; hay dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng nhưng xác định  phạm vi quy mô rộng lại chưa được thể hiện rõ; hay thảm họa, sự cố do con người gây ra nhưng chưa rõ định lượng, tính chất, mức độ con người gây ra như thế nào, phân định ranh giới giữa thảm họa và sự cố.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 12:

Toàn cảnh phiên họp

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Trần Lưu Quang điều hành phiên thảo luận

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Lê Văn KhảmĐoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Bảo Yến - Phạm Thắng