THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: VIỆC THU HỒI ĐẤT PHẢI ĐẢM BẢO CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN TỐT HOẶC BẰNG NƠI Ở CŨ

03/11/2022

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 3 cho rằng, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần khắc phục các vướng mắc trong đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai...

THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CẦN CÓ CƠ CHẾ QUẢN LÝ TỐT HƠN SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRƯỚC KHI ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG VÀ LÊN MẠNG XÃ HỘI

Sáng ngày 03/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thảo luận ở Tổ 3 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận.


Toàn cảnh Phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tổ 3 sáng ngày 03/11.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất cần thiết với việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Sau gần 08 năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phát huy tiềm năng đất đai, góp phần quan trọng cho phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất và một số nội dung khác vẫn còn những tồn tại, hạn chế nên cần có sự thay đổi. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết.

Việc thu hồi đất phải đảm bảo cuộc sống của người dân

Đề cập về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, để làm rõ hơn trường hợp thu hồi đất vì mục đích công cộng, đồng thời phân biệt dự án công cộng có mục đích kinh doanh với không nhằm mục đích kinh doanh như dự Luật, cần bổ sung về tiêu chí, điều kiện để xác định loại hình dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc giao cho cơ quan quy định cụ thể loại hình dự án công trình này để khi thực hiện sẽ không vướng mắc hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau.

Về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (tại Điều 88 dự thảo Luật), đại biểu Lý Thị Lan đề nghị bổ sung thêm đối với đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để lấn, chiếm.


Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ ý kiến tại Phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đại biểu Lý Thị Lan, thực tế hiện nay, trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê để đất bị lấn, chiếm đã gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước và do không có quy định để xử lý vấn đề này nên việc tranh chấp, đơn thư, kiến nghị phức tạp và kéo dài cũng một phần xuất phát từ việc người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm quản lý đất để bị lấn, chiếm.

Nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; người sử dụng đất chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất được giao, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị đưa vào dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai đối với đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để lấn, chiếm là cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

Về “nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”, trong khoản 2 Điều 97 dự thảo Luật có nội dung: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Việc đánh giá điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đã gây khó khăn cho các bên thực hiện (Nhà nước và người dân) vì không có tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, việc di chuyển chỗ ở gây ra những xáo trộn về đời sống của người dân (kể cả vật chất lẫn tinh thần), có những thiệt hại hữu hình như: nhà ở, đất đai, ruộng vườn… thiệt hại vô hình như: về tâm lý an cư cuộc sống, các mối quan hệ trong cuộc sống, làm ăn sản xuất, kinh doanh mà người dân đã tạo lập từ bấy lâu, không phải có trong một sớm một chiều mà nó được hoàn thiện, hình thành và gắn bó tại nơi ở cũ.


Các đại biểu tại Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đóng góp ý kiến

Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị trong vấn đề hỗ trợ tái định cư cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể như các điều luật khác đã quy định. Ngoài ra, cần xác định giá trị đền bù đầy đủ các thiệt hại của người dân thuộc diện tái định cư, trong đó phải tính cả những thiệt hại vô hình như đã nêu trên để giúp cho người dân ổn định, yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc thu hồi đất phải đảm bảo lợi ích quốc gia; đảm bảo việc bồi thường, di dời để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế cho người dân đến nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Điều này cũng góp phần đảm bảo lợi ích của người dân cũng như khắc phục tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, để thực hiện được nhiệm vụ thu hồi đất, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần phân cấp mạnh và giao quyền cho các địa phương nhiều hơn trong việc định giá đất, trưng cầu ý kiến của người dân về vấn đề thu hồi, giải phóng mặt bằng phù hợp với nhu cầu, thực tiễn cũng như nguyện vọng của người dân ở địa phương đó.

Phân cấp và giao quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc định giá đất

Nhằm đảm bảo cho thu hồi đất, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc quy hoạch đất ở các địa phương không nên có sự thay đổi nhiều vì sẽ tác động đến cuộc sống của người dân tại nơi sẽ phải thu hồi đất. Khi thu hồi đất, chính quyền địa phương cần đảm bảo cuộc sống, điều kiện sống của người dân nhưng cũng phải là được sinh sống tại khu vực bị thu hồi đất, chứ không nên di duyển người dân đến nơi quá xa nơi ở cũ.

Ngoài ra, việc thu hồi đất phải đảm bảo công bằng, khả thi; quy định rõ thu hồi đất để thực hiện các dự án đối tác công tư nhằm khắc phục lợi ích nhóm cũng như cần xây dựng cơ chế đảm bảo kiểm tra, giám sát các dự án.


Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm.

Tuy nhiên, một trong những bất cập khiến việc thực hiện thu hồi đất trong thời gian qua chưa đạt được như mong muốn vì các địa phương chưa xác định được giá đất. Vì vậy, cần có phương pháp và cách tính để đảm bảo thông suốt như đảm bảo cho địa phương định giá đất, người dân có ý kiến vào việc định giá đất. Điều này cũng góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện cho người dân khi giá đất chưa được đền bù thỏa đáng.

Đóng góp ý kiến về định giá đất, đại biểu Lê Hoàng Anh nêu quan điểm: Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần đề cập rõ hơn về tham số, chỉ số, phương pháp định giá đất. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về đất đai phải được cập nhật và công khai, có sự minh bạch về thông tin./.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:


Toàn cảnh Phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tổ 3.


Các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham dự Phiên thảo luận Tổ sáng ngày 03/11.


Các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.


Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.


Đại biểu Trần Quốc Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)


Đại biểu Đặng Quốc Khánh- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho ý kiến về việc định giá đất và cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần có sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác.

Bích Lan - Phạm Thắng

Các bài viết khác