THẢO LUẬN TỔ 01: TĂNG CƯỜNG ĐẤU THẦU QUA MẠNG ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH

07/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giá (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

CẦN CÓ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT GIÁ KHÁM, CHỮA BỆNH

THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG NHỮNG ĐIỀU KHOẢN THEN CHỐT NHẰM GIẢI QUYẾT TỒN ĐỌNG, VƯỚNG MẮC

THẢO LUẬN TỔ 01: TIẾP TỤC CỤ THỂ HÓA ĐẦY ĐỦ NGHỊ QUYẾT 18-NQ/TW VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Thực hiện mục tiêu kép vừa ổn định giá, vừa đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa.

Thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi), đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi nhằm nhấn mạnh đến vai trò, phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh. Sửa đổi nhằm điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng trong luật hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 01 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát, làm rõ một số khái niệm chỉ mang tính định tính mà không có định lượng, rất dễ bị lạm dụng trong quá trình thực hiện và dễ áp dụng sai. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong cùng một luật (giữa các điều khoản) và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Cho ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc đưa mặt hàng kiểm soát do Nhà nước định giá là cần thiết nhằm bình ổn giá, nhưng điều quan trọng hơn là phải đảm bảo nguồn cung ứng, không để xảy ra đứt gãy. Đại biểu cho rằng trong quá trình quản lý, điều hành phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép vừa ổn định giá và không đứt gãy nguồn cung, trong đó đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa là ưu tiên số một, tránh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu như thời gian vừa qua.

Một số ý kiến cho rằng, quy định rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của bộ và cơ quan ngang bộ (Điều 15), trong đó Bộ Tài chính là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc đề xuất trình Chính phủ Danh mục hàng hóa bình ổn giá và chương trình bình ổn giá. Đồng thời, quy định thống nhất nhà nước là cơ quan thẩm định giá nhằm tránh tình trạng mỗi nơi một giá.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị quy định cụ thể mức trần giá vốn trong điều kiện thiên tai dịch bệnh; bên bán phải chịu trách nhiệm trước cơ quan điều tra về mức trần lơi nhuận. Ban soạn thảo cũng cho biết có sự thiếu thống nhất trong quy định về thẩm quyền định giá khám chữa bệnh trong hai dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch.

Cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu. Việc sửa đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu….

Đại biểu Khuất Việt Dũng, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu thực tế thời gian qua có có nhiều vụ việc liên quan đến đấu thầu gây thất thoát lớn nhưng trong đó có nhiều vụ việc thực hiện đúng quy trình của luật; bên cạnh đó, nhiều quy định gây khó khăn, chán nản cho nhà đầu tư, vì vậy việc sửa đổi 75 điều, bổ sung 21 điều mới là cần thiết.

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, đấu thầu nhất là đấu thầu trong lĩnh vực đất đai không đặt mục tiêu cao nhất là thu được nhiều tiền mà cần có mức giá hợp lý nhất. Bởi kiềm chế giá đất ở mức phù hợp để người dân có nhà và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ trình 10 trường hợp chỉ định thầu, mở rộng hơn so với luật hiện hành là chưa phù hợp, đại biểu đồng tình với 4 trường hợp được chỉ định thầu như nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi).

Để hiệu quả đấu thầu thực chất, tránh lãng phí, hình thức, có ý kiến đề nghị cần có cơ quan quản lý nhà nước về giá để có sự so sánh, đối chiếu khi tiến hành đấu thầu; đồng thời tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng giá thầu rất quan trọng, đại biểu cho rằng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến được tiến hành đấu thầu lặp lại ở các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố đều phải tiến hành đấu thầu theo một quy trình giống nhau, làm mất thời gian và lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị xây dựng giá tham chiếu để giảm thủ tục xây dựng hồ sơ mời thầu, thẩm định giá...

Tại phiên thảo luận, các ý kiến tại Tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tán thành với sự cần thiết bổ sung quy định về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến “nơi sinh” vào trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật để đấu thầu, nếu không cẩn thận sẽ mua phải hàng không tốt.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị quy định cụ thể mức trần giá vốn trong điều kiện thiên tai dịch bệnh.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận phiên thảo luận Tổ 01.

Lan Hương - Trọng Quỳnh