THẢO LUẬN TỔ 04: TIẾP TỤC RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
THẢO LUẬN TỔ 04: THIẾT KẾ LOGIC CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
THẢO LUẬN TỔ 04: ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI TRONG LỒNG GHÉP KIẾN THỨC PHÒNG THỦ DÂN SỰ VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, Luật Giá hiện hành đã bộc lộ những điểm chưa hoàn chỉnh về phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế; tính thống nhất, đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá trong một số trường hợp chưa bảo đảm. Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo không tạo kẽ hở, khoảng trống trong pháp luật quản lý giá.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, có những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, tính chặt chẽ, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá chưa được quy định rõ, như: dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số; công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong lĩnh vực thẩm định giá. Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục bổ sung các quy định trên nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.
Quang cảnh phiên họp
Phát biểu về Dự thảo Luật này tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chỉ ra rằng, nguyên tắc xây dựng Luật Giá sửa đổi đã được nêu rõ trong Tờ trình; tuy nhiên việc đảm bảo bổ sung chính sách về giá phù hợp với khu vực đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục nghiên cứu thêm, đảm bảo tính phù hợp. Sự phân cấp phân quyền trong thẩm định giá cần thể hiện thật rõ ràng; tránh chồng chéo về trách nhiệm; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các cấp địa phương.
Bên cạnh đó, theo đại biểu cơ chế hiệp thương về giá cần quy định chặt chẽ, tránh tạo ra sự thông đồng, hoặc có lợi cho một bên. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn, đảm bảo tính khả thi đối với các quy định liên quan đến hiệp thương về giá. Cụ thể vừa qua giá xăng giá điện có biến động rất nhiều, điều chỉnh nhưng khó giảm, ảnh hưởng đến người sử dụng. Hoặc như việc điều chỉnh giá phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu cũng biến động, ảnh hưởng đến người dân khá lớn.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu và một số đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát, đánh giá chính xác những vướng mắc, tồn tại do quy định của pháp luật hay do tổ chức thực hiện để có cơ sở hoàn thiện chính sách, đề xuất phương án sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý vận hành thông suốt nền kinh tế.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp
Cho ý kiến tại phiên họp tổ, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị về Dự án Luật này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là Luật liên quan đến nhiều Luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu…Vì vậy, việc sửa đổi luật này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Luật hiện hành. Tới đây sau khi Quốc hội cho ý kiến, Cơ quan thẩm tra, cơ quan trình sẽ phối hợp, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần đảm bảo phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, quyền tự định đoạt về giá. Vậy sự can thiệp của nhà nhà nước đến mức nào để đảm bảo sự phát triển kinh tế vĩ mô. Làm thế nào để đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh; tôn trọng quyền tự định giá của người cung cấp sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Báo cáo tổng kết thi hành luật có một số căn cứ, cơ sở pháp lý cũng chưa thật đầy đủ, nhất là việc đánh giá những bất cập, hạn chế và nguyên nhân. Đề nghị cần nghiên cứu thêm Báo cáo tổng kết, đánh giá để xem xét bất cập, hạn chế đến mức nào, chính sách đề ra phải có đánh giá tác động; tránh việc giải quyết được khó khăn vướng mắc này thì lại phát sinh ra khó khăn vướng mắc khác; không tạo kẽ hở, khoảng trống trong pháp luật quản lý giá; đảm bảo tính tương thích của Luật này với các Hiệp định mà Việt Nam có tham gia.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Liên quan đến nội dung về thẩm định giá của nhà nước, một số ý kiến đề nghị quy định rõ giá trị pháp lý của Kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp và cần rà soát kỹ từng điều khoản của Luật để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, khả thi khi áp dụng, đảm bảo tính thống nhất của các điều khoản trong Dự thảo Luật. Cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất các quy định trong các văn bản dưới luật đã áp dụng hiệu quả thời gian qua, đảm bảo hiệu lực thi hành ngay của Luật.
Ngoài ra, về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, một số đại biểu chỉ rõ, Dự thảo Luật sửa đổi không quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ cụ thể trong Luật mà giao Chính phủ quy định tại Nghị định. Theo đó, Chính phủ dự kiến có 07 hàng hóa, dịch vụ sẽ thực hiện bình ổn giá. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, cân nhắc thận trọng đối với từng mặt hàng, dịch vụ, bảo đảm tính bao quát, hợp lý, dự báo cao.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên họp:
Quang cảnh phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tại phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu tại phiên họp
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng cần tiếp tục rà soát, đánh giá chính xác những vướng mắc, tồn tại do quy định của pháp luật hay do tổ chức thực hiện để có cơ sở hoàn thiện chính sách, đề xuất phương án sửa đổi
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần đảm bảo phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, quyền tự định đoạt về giá
Đại biểu Bùi Sĩ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia phát biểu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận
Đại biểu Lê Văn Hiệu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận./.