ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ ĐỐI VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÀ SỞ Y TẾ
Tham gia Đoàn có đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang; các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang: Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Tráng A Dương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Đoàn giám sát. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan kết luận buổi giám sát đối với UBND tỉnh.
Những năm qua, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh được quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có 403 cơ sở giáo dục phổ thông; 293 trường đạt chuẩn quốc gia; hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú được giữ vững ổn định; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 61,52%. Năm học 2021 – 2022, chất lượng giáo dục phổ thông có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi ngày càng tăng.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Hoàng văn Vịnh phát biểu tại buổi làm việc.
Trên cơ sở Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, UBND đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai, thực hiện. Cùng đó, chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức về chương trình giáo dục phổ thông 2018; phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cho các cấp học; tổ chức bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp hoàn thành mô đun trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh triển khai Đề án Giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu vào giảng dạy trong các nhà trường. Việc lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành công khai, minh bạch theo đúng quy trình, lộ trình, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ cho mỗi học sinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ học sinh chuyên cần ở một số địa phương chưa cao, còn hiện tượng học sinh bỏ học; hệ thống trường, lớp sắp xếp chưa khoa học, hiệu quả; thiếu về đội ngũ giáo viên, nhân viên theo định mức, nhất là đối với các cấp học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế về năng lực ngôn ngữ; tỷ lệ trường tiểu học tổ chức học bán trú còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa trẻ đến trường học 2 buổi/ngày…
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội và các bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí cho các địa phương để mua thiết bị dạy học cho các cấp theo lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018; ban hành chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tại các điểm trường; có chính sách hỗ trợ cho học sinh các xã khó khăn khi đạt chuẩn Nông thôn mới; thực hiện không tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non ở các địa phương vùng đặc biệt khó khăn…
Đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính – Ngân sách của Quốc hội tặng quà Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Giang.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đồng thời chia sẻ những khó khăn của tỉnh trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Quốc hội và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết. Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quán triệt và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo, nhất là chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm học; thực hiện tốt việc tổ chức giới thiệu, lựa chọn sách giáo khoa đối với các lớp học; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xử lý các vấn đề truyền thông nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính – Ngân sách của Quốc hội tặng quà Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang.
Nhân chuyến công tác tại Hà Giang, đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà, cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Giang, Văn phòng UBND tỉnh.