THẢO LUẬN TỔ 1: CẦN ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI, TÍNH THỰC TIỄN CỦA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

06/01/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 06/01, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến thảo luận tại Tổ 1 đề nghị cần nghiên cứu, xem xét thêm nội dung về quy hoạch không gian biển và bờ biển, bổ sung quan điểm về tài nguyên biển, kinh tế biển, đồng thời cần phải có quan điểm riêng về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 01. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận.

Tổ 1 gồm 31 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận.

Thảo luận tại Tổ 1 về nội dung này, đa số các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo chuẩn bị tài liệu dày dặn, có giá trị xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030.

Nhận thấy dự thảo Quy hoạch có nhiều đầu tư công sức, trí tuệ, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, để đầy đủ hơn, cần nghiên cứu, xem xét thêm nội dung về quy hoạch không gian biển và bờ biển. Định hướng sử dụng không gian biển cho các ngành, lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển, đại biểu nhận thấy, nội dung này được Ban soạn thảo viết rất tốt, kinh tế đã đề cập hầu hết các ngành như thủy sản, hải sản, du lịch, hậu cần nghề cá, nhưng trong đó có ngành rất quan trọng chưa đề cập là công nghiệp biển.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần có quy hoạch để phát triển mạnh hơn, nhiều hơn du lịch về không gian biển, bờ biển, biển, du lịch các đảo ở phía Nam nước ta. Nếu phát triển được du lịch biển thì phát triển được nhiều mặt, trong đó có cả an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, cần phát triển hậu cần nghề cá chuyển ra ở các đảo, qua đó giúp ích cho việc đánh cá và khai thác hải sản, thủy sản.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp,Hà Nội

Góp ý về quy hoạch vùng biên giới, đại biểu Nguyễn Anh Trí cơ bản nhất trí cao và đánh giá cao Ban soạn thảo viết rất tốt nội dung này. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy hoạch cần phải tạo điều kiện cho dân sinh sống càng gần biên giới càng tốt. “Dân sống ở vùng biên càng đông, càng hòa hữu, đoàn kết thì biên giới càng được giữ vững, làm ăn càng dễ và kinh tế ngày càng phát triển. Càng có người sống gần biên giới, xây dựng mối quan hệ tốt với các nước láng giềng trên tinh thần giữ vững biên giới của mình thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn nhiều”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ.

Muốn dân sinh sống sát biên giới nhiều, đại biểu cho rằng cần ưu tiên kinh phí, ngân sách, đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thông thoáng để người dân vùng biên làm ăn, đặc biệt du lịch và thương mại. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, quy hoạch vùng biên có thể khó lúc đầu nhưng về lâu dài sẽ rất hiệu quả, bảo vệ chủ quyền tốt hơn, phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn và bền vững hơn.

Quan tâm đến Quy hoạch tổng thể quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định, mặc dù đây là quy hoạch lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nhưng Chính phủ đã hết sức cố gắng, quy hoạch được lập công phu, bài bản, chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của Luật Quy hoạch. Dự thảo trình Quốc hội lần này cơ bản đã tiếp thu ý kiến thẩm tra của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Quy hoạch phải trả lời 4 câu hỏi: làm gì, ở đâu, khi nào, đặc biệt là nguồn lực huy động ra sao, đáp ứng như thế nào các điều kiện nêu trên. Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, bốn câu hỏi này phải trả lời thấu đáo tất cả các vấn đề. Trong nội dung Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, các định hướng quy hoạch cũng như các giải pháp, nguồn lực. Cho rằng vấn đề nguồn lực rất quan trọng, nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả. Và trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần phải có quan điểm riêng về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi 

Tư tưởng xuyên suốt của quy hoạch là phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh, đây là xu thể của thời đại, xu thế của thế giới và thực tiễn của Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chúng ta cần theo xu thế này, và tư tưởng này cần được chỉ ra rõ nét hơn trong nội dung của quy hoạch và đặc biệt là Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng tình quan điểm về vấn đề tài nguyên biển, kinh tế biển như đại biểu Nguyễn Anh Trí đã nêu, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần bổ sung quan điểm về tài nguyên biển, kinh tế biển xanh. Bởi đây là xu thể phát triển và chúng ta có không gian biển lớn nên cần khẳng định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Trong dự thảo có nhắc đến các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tuy nhiên đại biểu nhận thấy vấn đề an ninh môi trường cần được làm rõ hơn.

Về tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đã đưa ra hai kịch bản phát triển, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2050, nước ta sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Tuy nhiên thực tế đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần lường trước những khó khăn, thách thức và phải tính toán để đảm bảo tính khả thi và thực tiễn.

Liên quan đến định hướng phát triển không gian biển, đại biểu Tạ Đình Thi nhận thấy, các nội dung trong quy hoạch nhấn mạnh nhiều đến phạm vi liên quan đến góc độ hành chính, địa lý, thực tiễn mỗi vùng biển có chế độ pháp lý khác nhau, vì vậy mục tiêu quy hoạch cho mỗi vùng biển, vùng không gian biển khác nhau. Do đó, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị làm rõ vấn đề này.

Nhất trí cao về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, dự thảo đã cụ thể hóa Chiến lược phát triển quốc gia và phân bổ nguồn lực cho việc phát triển theo các ngành, lĩnh vực, theo không gian. Dự thảo đã định hướng rất rõ các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham dự phiên thảo luận tổ 01.

Góp ý cụ thể vào nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu thêm nội dung và kết cấu của quy hoạch tổng thể quốc gia gồm 63 tỉnh thành trên cả nước. Hiện nay nội dung và kết cấu của quy hoạch tổng thể quốc gia mới chỉ mang hình hài giống như quy hoạch của tỉnh. Đại biểu cho rằng, phân bổ quy hoạch tổng thể quốc gia không chỉ theo ngành, lĩnh vực và theo không gian mà còn phải phân bổ nguồn lực đất đai, không gian cho các thành phần kinh tế. Đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn, định hướng phát triển, phân bổ các thành phần kinh tế cho các ngành, lĩnh vực cũng như thành phần kinh tế này được tham gia vào phát triển, phân bổ theo không gian, lãnh thổ như thế nào? Do đó, đại biểu nhận thấy vấn đề này chưa thấy xuất hiện trong bản quy hoạch.

Bàn về định hướng phân bổ phát triển các nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, mục tiêu và định hướng nội dung này trong bản quy hoạch đã rất tốt nhưng việc phát triển ở đâu, quy mô bao nhiêu, phân bổ như thế nào thì quy hoạch cần phải thể hiện được nội dung này. Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị trong phần quy hoạch cần làm rõ hơn phát triển các ngành, lĩnh vực, thể hiện sản phẩm gì, sản phầm trụ cột của ngành đó và phân bổ ở các địa bàn như thế nào… Và phân bổ nguồn lực để hình thành trọng điểm sản xuất thì tất cả đều cần phải rõ trong quy hoạch.

Đánh giá cao nội dung về phát triển không gian biển rất tốt và rõ, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mặc dù trong phát triển kinh tế biển, thế mạnh phát triển du lịch được thể hiện nội dung khá tốt nhưng chưa thể hiện được khác biệt gì so với hiện trạng. Đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn, mô hình phát triển du lịch biển Việt Nam như thế nào để đạt được trình độ phát triển theo kịp các nước trên thế giới.

Cho rằng dự thảo có nói đến vị thế quy hoạch cảng biển, nhưng không thể hiện rõ vai trò vượt trội, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong quy hoạch cần thể hiện rõ hơn. Ngoài ra, phân vùng kinh tế phải gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế để tạo ra sự gắn kết phát triển. Đại biểu đề nghị trong quy hoạch phải có sự phân định lại để liên kết giữa các vùng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận ở tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 01:

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận tại Tổ 01.

Đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị trong phần quy hoạch cần làm rõ hơn phát triển các ngành, lĩnh vực, thể hiện sản phẩm gì, sản phầm trụ cột của ngành đó và phân bổ ở các địa bàn như thế nào… Và phân bổ nguồn lực để hình thành trọng điểm sản xuất. Tất cả vấn đề này đều cần phải thể hiện rõ trong quy hoạch.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội góp ý vào một số nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tư tưởng xuyên suốt của quy hoạch là phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, kinh tế số, đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh, đây là xu thể của thời đại, xu thế của thế giới. Và tư tưởng này cần được chỉ ra rõ nét hơn trong nội dung của quy hoạch và đặc biệt là Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan góp ý về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà góp ý về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức