GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN TRONG CHI TRẢ CHO LỰC LƯỢNG ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG, HUY ĐỘNG THAM GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

06/01/2023

Sáng 6/01, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thảo luận tại Tổ 10, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần khẩn trương giải quyết các khó khăn, hạn chế trong việc chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19,..

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT, KHOA HỌC CỦA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 10

Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh  Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Hậu Giang. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong điều hành nội dung thảo luận.

Cho ý kiến về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các đại biểu nhận định, đây là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương được thực hiện các biện pháp đặc thù, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết 30 được Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu cho rằng, sau khi triển khai cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Nghị quyết 30 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt được nhiều thành tựu, đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu cũng đánh giá cao và đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ: Kết quả thực hiện Nghị quyết 30; Bài học kinh nghiệm về xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, cho ý kiến về việc cho phép tiếp tục thực hiện thanh toán chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế; chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết 30/2021/QH15 và Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 cho đến hết ngày 31/12/2023; việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nêu hai nhóm vấn đề lớn cần quan tâm: Một là, chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; Hai là, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh Covid-19.

Cho rằng, đây là hai nội dung lớn được Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đề cập, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm một số đối tượng được huy động như lực lượng an ninh, lực lượng biên phòng,… trong công tác phòng chống dịch được chi trả chế độ.

Cũng theo đại biểu, hiện nay tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Do đó, nên nghiên cứu để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B và coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành, thực hiện các biện  pháp phòng, chống dịch từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Đại biểu tỉnh Lào Cai cũng bày tỏ băn khoăn, đối với nhóm đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine, đề nghị Chính phủ tiếp tục tiêm chủng cho nhóm đối tượng này và thực hiện tiếp các mũi tăng cường để bao phủ vaccine cho trẻ em.

Ngoài ra, liên quan đến các nội dung khác, đại biểu đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 146; Bộ Y tế sớm ban hành định mức giá cụ cụ thể cho các cuộc phẫu thuật, sử dụng các phương pháp gây tê,…

Đánh giá về thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho rằng, Nghị quyết số 30 là một giải pháp rất đặc thù, đã mang lại tác động tích cực trong điều kiện cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Lê Minh Nam cũng lưu ý, đây cũng là dịp để rà soát, đánh giá lại bài học kinh nghiệm, để phát huy và áp dụng trong những trường hợp/tình huống tương tự.

Theo đại biểu, cần quan tâm giải quyết tình trạng chậm thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh, chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Để giải quyết những hạn chế hiện nay, đại biểu đề nghị cần phải rà soát đảm bảo xác định được đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng nhưng cũng không thể để tình trạng lạm dụng, gian lận dẫn đến thiệt hại, thất thoát ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần quan tâm đến việc hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Nêu thực trạng, hiện nay các lực lượng tham gia vẫn chưa nhận được hỗ trợ, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần phải đẩy nhanh việc ban hành văn bản hướng dẫn để chi trả cho các lực lượng tham gia, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ mà công tác ở các bệnh viện, các trung tâm y tế,...

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế quan tâm nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 07 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, nhân viên y tế thôn, bản; đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể để cho các tỉnh, các địa phương có căn cứ xử lý, quản lý và sử dụng tài sản tại các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến;…

Cũng tại Phiên thảo luận Tổ 10, các đại biểu còn cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua thảo luận, các đại biểu đều khẳng định tính cấp bách của việc sớm xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đồng thời, chỉ rõ một số nội dung cần nghiên cứu, hoàn thiện để Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước./.

Lê Anh