ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG GIÁM SÁT UBND TỈNH VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Đặng Quốc Khánh (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Để hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất… Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là lĩnh hội sự đổi mới, trách nhiệm của Quốc hội, đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp đổi mới tại “Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát” đã được Đảng đoàn Quốc hội thông qua, quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nhân dịp đầu năm mới, Cổng TTĐT Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan.
Phóng viên: Triển khai Kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, theo kế hoạch Đoàn Giám sát của Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tại 11 bộ, ngành liên quan và 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu có đánh giá như thế nào về quy mô, tính đại diện vùng miền khi lựa chọn các đơn vị, địa phương tiến hành giám sát?
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang: Trước tiên, tôi đồng tình và đánh giá cao Kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023. Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành một chuyên đề giám sát mang tính tổng hợp việc thực hiện cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ (giai đoạn 2021 - 2025), đồng thời đây cũng là chuyên đề có phạm vi giám sát rất rộng, liên quan nhiều đối tượng, nhiều luật. Điều này đặt ra những yêu cầu mới đối với nội dung và phương thức tiến hành giám sát, đòi hỏi việc chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung là hết sức quan trọng. Sự khác biệt rõ ràng nhất so với các cuộc giám sát khác, đó là tính kịp thời và đồng bộ.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang Lý thị Lan phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV
3 Chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu triển khai ở địa phương, vì vậy việc tiến hành giám sát ở 15 tỉnh, thành phố là phù hợp và bảo đảm tính đại diện theo vùng miền.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, cuộc giám sát sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp. Thông qua giám sát, nhằm tiếp tục hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương để việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Bảo đảm các Chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Đồng thời, kịp thời phát hiện những sáng kiến, cách làm hay, mô hình tiêu biểu để áp dụng và nhân rộng, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng đây là cuộc giám sát rất đặc thù, trong đó tiến hành giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nên có rất nhiều nhiệm vụ và nội dung cần thực hiện. Theo đại biểu, nội dung giám sát cần tập trung vào vấn đề gì để giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải?
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang: Như chúng ta đã biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, luôn nhận được sự đồng tình và đón nhận của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc, với niềm tin và quyết tâm cao. Đó là khi Chương trình được triển khai thực hiện sẽ hướng tới những mục tiêu toàn diện: khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia...; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Đặng Quốc Khánh tại buổi họp Tổ tại Nhà Quốc hội
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai các Chương trình đang còn chậm, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến tháng 10/2022 mới cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn của các Chương trình đã ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư năm 2021 - 2022 như mục tiêu, đồng thời cũng dẫn đến khó hoàn thành các mục tiêu của Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội.
Hiện rất nhiều chương trình, chính sách phải dừng thực hiện do đã lồng ghép vào các Chương trình mục tiêu quốc gia gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân.
Để đạt được mục tiêu của cuộc giám sát sắp tới, tôi cho rằng, cần chỉ rõ được vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Đây sẽ là minh hoạ để làm sáng tỏ hiệu quả, tính khả thi của các chính sách. Đồng thời, cần phân tích, đánh giá về chỉ đạo, điều hành giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương về 3 chương trình này.
Mặt khác, cần chú trọng giám sát năng lực của các địa phương trong tích hợp chính sách và lồng ghép nguồn lực; nên chăng mở rộng phạm vi giám sát đối với một số cơ quan có vai trò quan trọng trong lồng ghép chính sách và tích hợp nguồn lực…
Phóng viên: Qua hoạt động tiếp xúc cử tri và thực tế từ hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, trong thời gian qua tại địa phương, xin Đại biểu cho biết một số kết quả bước đầu 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại? Và đâu là những vướng mắc, bất cập về mặt cơ chế, chính sách tại địa phương cần sớm được tháo gỡ?
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang: Thời gian qua, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang Lý thị Lan phát biểu ý kiến tại buổi họp Tổ tại Nhà Quốc hội
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND các huyện đang rà soát và tổng hợp phê duyệt danh sách, đối tượng thụ hưởng để triển khai Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đang tổ chức lập, thẩm định 10 dự án quy hoạch, bố trí ổn định dân cư tập trung; tổ chức lập, thẩm định danh mục, dự án hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; tổng hợp danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng và các nội dung hỗ trợ đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù; tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín tại tỉnh.
Đối với các Dự án khác, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các công trình khởi công mới theo kế hoạch và nguồn vốn được giao.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng có thành quả đáng mừng. Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm 8.889 hộ nghèo và cận nghèo, giảm 5,17% (vượt 1,17% chỉ tiêu Trung ương giao. Số hộ nghèo, cận nghèo đa chiều cuối năm 2022 là 94.727 hộ, tương đương với tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh 49,95%.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham dự Kỳ họp thứ 4, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Còn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu năm 2022, mặc dù chưa được Trung ương phân bổ nguồn vốn để thực hiện Chương trình, song UBND tỉnh đã chủ động phân bổ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh để tổ chức đấu thầu mua xi măng cung ứng cho các huyện, thành phố thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Kết quả, đã cung ứng 35.092 tấn xi măng, làm được 370 km đường bê tông nông thôn. Huy động Nhân dân đóng góp 228.213 ngày công lao động, hiến 145.944 m2 đất; thực hiện trên 390 km đường bê tông các loại, xây dựng 907 công trình nhà tắm, 989 nhà tiêu hợp vệ sinh, 576 bề nước, kiên cố hóa 3,1 km kênh mương, 10 công trình nhà văn hóa thôn. Hoàn thành 26 tiêu chí xã nông thôn mới, 22 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo yêu cầu bộ tiêu chí mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Mặc dù đã rất tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nội dung văn bản tại địa phương làm cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện 3 Chương trình MTQG, song với nguồn kinh phíTrung ương giao còn chậm, cộng vào đó trình tự xây dựng các văn bản phức tạp, nhiều nội dung không có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc khó khăn trong triển khai, thời gian xây dựng văn bản kéo dài, thiếu đồng bộ.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang Lý thị Lan phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Phóng viên: Thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao, hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành. Theo Đại biểu, để hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và của Đại biểu Quốc hội cũng cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu mới?
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang: Lĩnh hội sự đổi mới, trách nhiệm của Quốc hội, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Đoàn và tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các luật, nghị quyết đã thông qua; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, sẽ thực hiện hiệu quả các giải pháp đổi mới tại “Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát” đã được Đảng đoàn Quốc hội thông qua, quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Lựa chọn nội dung giám sát, phạm vi, điều kiện giám sát sát với thực tế, xác định phương pháp tổ chức thực hiện phù hợp với địa phương và hiệu quả.
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đồng sức, đồng tâm cùng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm tốt an sinh xã hội sau đại dịch.
Phóng viên: Nhân dịp đầu Xuân năm mới, với vai trò là đại biểu dân cử, Đại biểu có gửi gắm điều gì đến cử tri, Nhân dân tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung?
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Giang: Với tư cách là ĐBQH, bản thân tôi rất vui mừng và phấn khởi với kết quả chung của Đoàn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, có những đóng góp xứng đáng vào thành công chung của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với niềm tin của cử tri và Nhân dân giao phó.
Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Quốc Khánh tặng quà các hộ gia đình chính sách tại hội nghị tiếp xúc cử tri
Nhân dịp năm mới, xuân Quỹ Mão 2023, thông qua Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tôi xin được gửi lời chúc Thành công đến Quốc hội! Xin gửi lời chúc “An khang, thịnh vượng, hạnh phúc” đến với cử tri cả nước nói chung, với cử tri tỉnh Hà Giang nói riêng!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu! Nhân dịp đầu xuân năm mới, kính chúc đồng chí và các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm nay!