ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI DỰ ÁN TRUNG TÂM ĐIỆN LỰC QUẢNG TRẠCH
Toàn cảnh buổi làm việc.
Thực hiện quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2021, đến nay, việc đầu tư phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh về cơ bản được triển khai tuân thủ quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Về nguồn điện, tổng công suất điện gió đã đưa vào vận hành là 252MW; điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà là 95MWp; thủy điện 14MW; điện thu hồi nhiệt thải phát điện là 17MW.
Về lưới điện: Lưới điện 500kV có 1 sân phân phối 500kV và 388km đường dây; lưới 220kV có 4 trạm biến áp (TBA) với tổng dung lượng 688MVA, chiều dài 275,46km; lưới 110kV có 14 TBA với tổng dung lượng 515MVA và 341km đường dây; lưới điện trung, hạ áp có 2.623 TBA 35(22)/0,4kV với tổng dung lượng 647MVA.
Đại biểu tham gia ý kiến nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Đến nay, Quảng Bình có 149/151 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, với hơn 99% hộ dân được sử dụng. Các xã: Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) và một số thôn, bản chưa có điện đang sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời của dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Hiện, UBND tỉnh Quảng Bình đang đầu tư hệ thống điện lưới trung, hạ áp lên các xã Tân Trạch và Thượng Trạch.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã phân tích, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm phát biểu tại buổi làm việc.
Thông qua đoàn giám sát, đồng chí đã nêu một số kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về việc xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng.
Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm phát biểu, nêu những nội dung cần phân tích, làm rõ tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, với tinh thần thẳng thắn, khách quan, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và hướng giải quyết thời gian tới.
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Minh Tâm ghi nhận, đánh giá các các cơ quan tham mưu của UBND tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị chu đáo nội dung cho buổi làm việc. Báo cáo về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng, giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh đã đánh giá cụ thể, khách quan về kết quả đạt được cũng như khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp thực hiện thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư trong việc thực hiện các dự án năng lượng trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư cho người dân đúng quy định.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tiếp thu những ý kiến của các thành viên đoàn giám sát để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo và đề ra những giải pháp thiết thực, lâu dài để thực hiện phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình về kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, việc xây dựng việc phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và chú trọng đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia…