ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

06/03/2023

Ngày 06/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang do đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách chủ trì tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại 3 đơn vị: Sở Công Thương, Công ty Điện lực Bắc Giang và Công ty Xăng dầu Hà Bắc.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG GIÁM SÁT VỀ THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

Đại biểu Trần Văn Tuấn trao đổi ý kiến tại buổi làm việc với Công ty Điện lực Bắc Giang.

Cùng dự có các ĐBQH: Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh.

Hằng năm, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ Sở Công Thương kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành và triển khai trong lĩnh vực năng lượng. Với sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp tăng nhanh nên những năm qua, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm lên đến 19,92%/năm; riêng năm 2022, điện thương phẩm đạt 5,338 tỷ kWh.

Theo ông Đỗ Bình Dương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang, trong giai đoạn 2016-2021, Công ty kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động. 

Công ty có cơ chế khuyến khích, giao kế hoạch cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, kết quả thực hiện chi tiết theo tháng, quý, năm; bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất, phát triển KT-XH và sinh hoạt của nhân dân toàn tỉnh.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu ý kiến.

Về xăng dầu, hiện trên địa bàn tỉnh có ba doanh nghiệp đầu mối, 10 thương nhân phân phối và hơn 340 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phân bố rộng khắp tại các huyện, TP. 

Hệ thống cung ứng xăng dầu cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân. Đối với khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), trong tỉnh có 3 trạm chiết nạp LPG với tổng công suất 30.000 tấn/năm.

Ngoài ra, hiện nay có 612 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 15,95 MWp vừa tự cung tự cấp, vừa bán điện. Một số nhà đầu tư đang xem xét, khảo sát về điện gió, sản xuất điện từ xử lý rác thải...

Trao đổi tại những đơn vị đến làm việc, các ĐBQH đề nghị làm rõ việc giải quyết ý kiến của khách hàng trong tiếp cận, sử dụng điện; dự báo nhu cầu tiêu thụ điện năng thời gian tới; công tác tiếp nhận, quản lý các hợp tác xã điện; thực hiện chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…); ngăn ngừa tình trạng thả diều, vi phạm hành lang an toàn lưới điện… Khả năng, vai trò của các doanh nghiệp, đầu mối chính việc thực hiện bình ổn xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng phải kiểm soát tốt chất lượng xăng dầu khi cung cấp ra thị trường gắn với mở rộng quy mô mạng lưới cung ứng. Các doanh nghiệp, đầu mối cung cấp xăng dầu giải quyết các tình huống, thời điểm khan hiếm ra sao. Doanh nghiệp điện lực và xăng dầu tính đến phương án phối hợp triển khai các trạm xăng thông minh kiêm điểm sạc cho ô tô điện trong tương lai gần. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng thời gian tới, các doanh nghiệp cần xác định chiến lược, định hướng phát triển tại tỉnh Bắc Giang và liên vùng.

Ông Trần Quang Tấn làm rõ những nội dung đoàn giám sát nêu ra.

Làm rõ những vấn đề nêu ra, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, giai đoạn 2016-2021, công tác triển khai thực hiện các luật, văn bản dưới luật về lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc tiếp cận điện năng liên tục được rút ngắn thời gian thực hiện, giảm các thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Trước nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, Bắc Giang đã xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 và nhiều kế hoạch, chương trình liên quan, bảo đảm đồng bộ nội dung các lĩnh vực, sát với yêu cầu phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản của địa phương.

Đồng chí Trần Văn Tuấn ghi nhận Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, giai đoạn 2016-2021 đạt kết quả tích cực. Lĩnh vực năng lượng tiếp tục được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cung cầu và an ninh năng lượng trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách về chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường, tiết kiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu; khoa học và công nghệ phát triển năng lượng; dự trữ, dự phòng năng lượng; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh khách quan, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn một số hạn chế, tồn tại: Kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng còn hạn chế, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện rác…). 

Trên địa bàn tỉnh còn có một dự án năng lượng (Nhà máy Nhiệt điện An Khánh) đang gặp khó khăn, chậm tiến độ. Công tác bàn giao, tiếp nhận tài sản công trình điện hình thành từ nguồn vốn nhà nước hoặc tư nhân sang ngành điện quản lý, vận hành còn gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả còn hạn chế.

Do còn vướng mắc về giá bán điện và đấu nối lưới điện nên chưa khuyến khích, thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Thị trường xăng dầu thời gian gần đây diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên, dẫn tới có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Đoàn giám sát đề nghị Sở Công Thương tham mưu cho tỉnh tiếp tục cụ thể hoá, triển khai các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng. Tăng cường đầu tư trên lĩnh vực năng lượng để bảo đảm đáp ứng cung cầu và an ninh năng lượng trên địa bàn theo định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhất là nhu cầu điện của các khu, cụm công nghiệp và các khu đô thị… 

Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát điện, đồng thời tăng cường phối hợp đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện và hệ thống cung cấp, dự trữ xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng.

Phối hợp với các đơn vị, địa phương có biện pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đang đặt ra như: Tiếp nhận tài sản công trình hình thành từ nguồn vốn nhà nước hoặc tư nhân sang ngành điện quản lý; đấu lưới và giá bán điện mặt trời; đầu tư Nhà máy Nhiệt điện An Khánh; giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án lưới điện… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp cận đất đai để mở rộng các địa điểm kinh doanh theo quy hoạch. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

(Theo Báo điện tử Bắc Giang)