Quang cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc PC Kiên Giang cho biết, thời gian qua, PC Kiên Giang dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển lưới điện, đảm bảo cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Kiên Giang với độ tin cậy ngày càng cao. Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh có điện sinh hoạt hiện tại đạt trên 99,6%.
Đến nay, Kiên Giang chỉ còn 3 xã đảo chưa có điện lưới quốc gia (đang sử dụng nguồn phát diesel) là An Sơn, Nam Du, Thổ Châu. PC Kiên Giang cũng đã có kế hoạch đầu tư phát triển nguồn, lưới điện tại các xã đảo này.
Theo ông Nhàn, khó khăn lớn nhất của ngành điện hiện nay là các dự án phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thực hiện theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 vẫn chưa được cấp vốn để thực hiện. Vì vậy, PC Kiên Giang kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang xem xét kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ có cơ chế cấp vốn cho đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, miền núi và hải đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh của PC Kiên Giang và Truyền tải điện miền Tây 3.
Ngành điện đã quán triệt thực hiện nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch của ngành và của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đã tham mưu cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương và Tổng Công ty Điện lực miền Nam để phát triển lưới điện đồng bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là ở TP. Phú Quốc. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành điện.
Công nhân ngành điện đang kiểm tra hệ số phụ tải tại trạm biến áp 110kV Gò Quao (Kiên Giang).
Ngoài ra, ngành điện kịp thời đổi mới trong ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, giám sát hoạt động của ngành điện, nâng cao năng lực và tinh gọn bộ máy; phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tốt, đảm bảo mạng lưới điện an toàn và đảm bảo an ninh năng lượng.
PC Kiên Giang và Truyền tải điện miền Tây 3 còn phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm; tổ chức hội thảo về giải pháp sử dụng điện hiệu quả cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đơn vị hành chính sự nghiệp; triển khai hưởng ứng giờ trái đất.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé cũng ghi nhận những khó khăn của ngành điện trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Cụ thể nguồn vốn đầu của ngành điện còn hạn chế, phải tự cân đối, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển tại địa phương; việc ứng từ vốn ngân sách để đầu tư không thực hiện được do quy định của Luật Đầu tư công.
Ngành điện hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, ngoài ra còn thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn từ Chính phủ nên gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn xảy ra nhiều nơi, nhưng công tác xử lý còn hạn chế, ảnh hưởng đến an ninh mạng lưới điện, khó khăn trong quản lý. Việc cung ứng dịch vụ của ngành điện đảm bảo tốt, tuy nhiên hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng...
Đối với các kiến nghị của PC Kiên Giang, đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận và sẽ có kiến nghị đối với Quốc hội về việc bố trí nguồn vốn cho phát triển lưới điện nông thôn, miền núi và hải đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.