SỬA LUẬT ĐẤT ĐAI PHẢI PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN SAI PHẠM TỪ ĐẤT ĐAI

17/03/2023

Chiều 17/3, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Đất đai do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, lần sửa đổi này luật phải dễ dàng áp dụng trong thực tiễn, cũng như phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm từ đất đai. Vấn đề nóng ở Đồng Nai thời gian gần đây, khi rất nhiều cán bộ sai phạm liên quan đến đất đai, vướng vào vòng lao lý.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG NAI GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

Quang cảnh hội nghị đóng góp sửa đổi Luật đất đai.

Đóng góp ý kiến về các trường hợp thu hồi đất, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư Đồng Nai cho rằng, đối với quy định tại điểm h, i, Khoản 2 và điểm a Khoản 3, Điều 78 được hiểu là quy định cho các dự án phát triển dân cư chỉ sử dụng các loại đất không phải đất ở. Từ thực tiễn Đồng Nai, việc công nhận đất ở trong khu đất có diện tích lớn là rất phổ biến. Do vậy, dự án phát triển dân cư mà hoàn toàn không có đất ở trong ranh dự án là rất khó.

Đối với thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, quy định tại điểm c Khoản 1, Điều 128 của dự thảo khiến việc áp dụng vào thực tế sẽ không khả thi và có nguy cơ tiếp tục xảy ra khiếu nại của người sử dụng đất. Bởi lẽ, cùng một mục đích đầu tư nhưng dự án để thực hiện đấu giá, đấu thầu thì Nhà nước thu hồi đất, còn các dự án không đấu giá, đấu thầu thì nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, việc đầu tư khu dân cư, khu đô thị mà để nhà đầu tư đi thỏa thuận 100% dẫn đến việc phát triển khu dân cư, đô thị rất khó. Chỉ cần một số người sử dụng đất không chấp thuận việc thỏa thuận thì dự án không thể thực hiện được theo quy hoạch. Do đó, kiến nghị việc phát triển khu đô thị, khu dân cư nông thôn hoặc các dự án nhà ở theo quy hoạch phải thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và có quy định nhà đầu tư được thỏa thuận trong một thời gian nhất định.

Đối với giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất theo Điều 126 dự thảo Luật, ông Quế cho rằng, nội dung này cần thống nhất và đề nghị sửa đổi Khoản 1 là trường hợp phải thực hiện giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, luật cần quy định cụ thể loại dự án sử dụng đất phải thực hiện việc đấu giá và những loại đất khi sử dụng phải thực hiện đấu giá: “Liên quan đấu giá đất công thời gian qua dẫn đến nhiều sai phạm, vì đất công không có khái niệm trong Luật Đất đai hiện nay. Luật sửa đổi cần làm rõ khoản này, vì rất nguy hiểm khi áp dụng dẫn đến sai phạm, gây thất thoát cho Nhà nước”, ông Quế nói.

Cũng liên quan đến thu hồi đất, ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai đề nghị, trong quy định về thu hồi đất cần tách đất quy hoạch sử dụng đất quốc phòng-an ninh và đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vì tính chất hai loại thu hồi đất này hoàn toàn khác nhau. Luật sửa đổi lần này nên chăng tách ra thành 2 điều khác nhau để việc áp dụng trong thực tiễn dễ dàng, đơn cử như khi áp giá bồi thường để thu hồi đất.

Ngoài ra, tại hội nghị nhiều ý kiến đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, vấn đề nhiều đại biểu đến từ các sở ngành, hội, địa phương, doanh nghiệp quan tâm nhất là quy định thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất khi thực hiện các dự án. Vì từ thực tiễn Đồng Nai thời gian qua đã có nhiều trường hợp cán bộ dính vào vòng lao lý do sai phạm về đất đai.

Phát biểu tại hội nghị, ông Quản Minh Cương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh, Luật Đất đai liên quan đến mọi ngóc ngách đời sống hằng ngày. Khi Luật Đất đai dễ áp dụng vào thực tiễn sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, ngược lại khó áp dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống. Việc sửa đổi nhằm mục đích Luật Đất đai mang tính khả thi, dễ áp dụng, bảo đảm khoa học. Sửa Luật Đất đai phải phù hợp trong trạng thái lâu dài, theo kịp cuộc sống và dự liệu trong tương lai, gắn chặt với sự phát triển của đất nước.

Cũng theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Luật Đất đai sửa đổi phải đối chiếu với các luật khác để không chồng chéo. Sửa đổi Luật Đất đai phải giải quyết được tận gốc những mâu thuẩn tồn tại do lịch sử để lại và phải xuất phát từ lợi ích chung, tạo sự công bằng. Luật Đất đai sau khi sửa đổi phải phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trục lợi, dẫn đến hành vi vi phạm và tội phạm. Thực tế, vừa qua tại Đồng Nai cũng như các địa phương trong cả nước, nhiều cán bộ dính vào vòng lao lý do sai phạm đất đai và khoảng 80% vụ án tham nhũng cũng xuất phát từ đất đai nên luật có ý nghĩa trong việc ngăn chặn sai phạm.

(Theo Báo Nhân dân)