Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tiếp xúc cử tri. Ảnh TTXVN
Tại buổi tiếp xúc, ý kiến các cử tri đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động khiến người lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sâu; cùng với đó là đời sống cán bộ, công chức xã, phường, nhất là cán bộ không chuyên trách còn khó khăn; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, giải ngân vốn đầu tư công chậm, tham nhũng, lãng phí trong triển khai một số dự án lớn… Do đó, nhiều cử tri kiến nghị cần kịp thời có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu kỳ vọng; có cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất kinh doanh; có giải pháp điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ cơ sở, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Nhiều vấn đề quốc kế dân sinh cũng được tập trung phản ánh như sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ bất cập để ngành chăn nuôi phát triển; chế độ chính sách đối với người có công, phát triển văn hóa tại các đô thị lớn, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao, tệ nạn ma túy, bạo lực học đường…
Bày tỏ đồng tình và ủng hộ Đảng, Nhà nước quyết liệt phòng, chống tham nhũng, một số cử tri đề nghị đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng, thúc đẩy văn hóa liêm chính trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Cử tri cũng đề xuất về một số vấn đề liên quan đến địa phương như cần sơ kết, đánh giá việc TP. Đà Nẵng thí điểm xây dựng "chính quyền đô thị"; giải quyết tồn đọng của một số dự án liên quan đến các vụ án lớn, các dự án treo nhiều năm, bố trí nguồn ngân sách giải quyết về hạ tầng, dân sinh, môi trường; kiện toàn tổ chức, hoạt động của tổ dân phố, thôn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh TTXVN
Xử lý nghiêm tham nhũng lớn và cả tham nhũng vặt
Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ, giải đáp kiến nghị của cử tri về ba vấn đề lớn.
Thứ nhất, xung quanh chính sách người có công, Chủ tịch nước cho rằng, đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có những thời kỳ chúng ta thường nói: Ra ngõ gặp anh hùng, từ già đến trẻ, tùy theo sức của ai cũng có hành động thi đua tham gia đánh giặc. Và vì vậy mỗi người đều thể hiện sự đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở những mức độ khác nhau. Từ tinh thần đó, từ trước đến nay Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chính sách người có công. Tùy theo tình hình kinh tế và khả năng chi trả của ngân sách trong từng giai đoạn mà chính sách luôn được điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng một phần nào bù đắp đối với sự hi sinh mất mát, đau khổ mà người dân đã gánh chịu trong chiến tranh, theo hướng chính sách sau cao hơn chính sách trước.
Thứ hai, về sửa đổi Luật Đất đai, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét Luật Đất đai sửa đổi. Việc sửa đổi bao giờ cũng gắn với tổng kết thực thi pháp luật thời gian qua. Như chúng ta đã biết, Luật Đất đai với người dân đặc biệt quan trọng. Trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về đất đai những năm vừa qua, chúng ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, góp phần thay đổi kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt thành thị và nông thôn, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí sai phạm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các cử tri Tp. Đà Nẵng
Hiện nay trong các cuộc khiếu kiện, khiếu nại, cả đông người và đơn lẻ, có thể đến 70% liên quan đến đất đai. Vừa qua chúng ta thực hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, thì tỉ lệ cán bộ vi phạm về đất đai khá lớn. Do đó, trong Nghị quyết 18, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã nêu các quan điểm, nhấn mạnh làm sao phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai; đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.
Nhiều cử tri đã nêu vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong chính sách về đất đai thời gian vừa qua. Vì thế việc sửa đổi Luật Đất đai phải hướng đến các vấn đề như sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất bất hợp lý, lãng phí nguồn lực đất đai. Đồng thời phải hoàn thiện quy trình, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nghị quyết của Trung ương khẳng định rõ: Phải thực hiện dự án theo đúng quy trình, trình tự, trước hết là bồi thường, đến hỗ trợ, tái định cư rồi mới được thu hồi đất. Trong đó xác định đối với những dự án liên quan tới người dân chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đặc biệt đối với những dự án có yêu cầu tái định cư, chỉ khi nào tái định cư xong mới được thu hồi đất. Đây là tư tưởng chỉ đạo, là quyết tâm của Đảng trong thực hiện chính sách đất đai. Chúng ta phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đối với những dự án cấp bách, quan trọng đối với đất nước, địa phương, thì phải được sự đồng thuận của người dân.
Thứ ba, đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri đã có đánh giá tốt, ủng hộ và đồng thuận và mong muốn Đảng, Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tránh thất thoát, giáo dục liêm chính, tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển.
"Một số ý kiến cử tri băn khoăn khi càng xử lý tham nhũng càng thấy nhiều, càng xử càng có biến tướng tinh vi hơn. Tôi xin khẳng định rằng, thời gian qua và thời gian tới Đảng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Theo dõi tình hình, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua, sẽ thấy rõ tinh thần đó", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cử tri nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc.
Chúng ta xử lý nghiêm tham nhũng lớn, và xử lý cả tham nhũng vặt, xử lý nghiêm cả ở Trung ương và địa phương, xử lý cả cán bộ đương chức và về hưu. Xử lý cán bộ dính líu tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát; xử lý cả cán bộ chưa tham nhũng nhưng không làm hết trách nhiệm, lãnh đạo chưa sâu sát để cấp dưới có vi phạm, khuyết điểm, tiêu cực. Xử lý nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, và chủ trương của Đảng công khai cho toàn dân biết kết quả xử lý sai phạm cán bộ, đảng viên. Còn nhiều vụ việc đang tiếp tục làm và sẽ sớm có thông báo công khai, đưa ra xét xử.
"Vừa qua, dự kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VCCI, tôi cũng nói với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp cả nước, rằng những việc xử lý sai phạm trong thời gian vừa qua là "chẳng đặng đừng" nhưng bắt buộc phải làm để cho môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, để giá trị làm ra phải thuộc về người làm ra nó, thuộc về xã hội, đất nước; để loại bỏ ra khỏi bộ máy cơ quan quản lý nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất", Chủ tịch nước cho hay.
Bên cạnh đó chúng ta cũng không ngừng hoàn thiện khung pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, kịp thời thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, kết quả làm việc thấp, không chờ hết nhiệm kỳ, thời gian bổ nhiệm...
"Trách nhiệm bao giờ cũng phải gắn liền với chức vụ, chức vụ càng cao thì tránh nhiệm càng lớn, đòi hỏi cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta không lo thiếu cán bộ, thiếu người tài, vì Đảng, Nhà nước luôn chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có giải pháp thu hút người hiền tài vào bộ máy Nhà nước để luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao", Chủ tịch nước khẳng định.