THẢO LUẬN TỔ 13: CẦN TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP PHÙ HỢP THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

25/05/2023

Sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về 8 nội dung quan trọng được xem xét thông qua, quyết định tại kỳ họp lần này. Thảo luận tại Tổ 13, các đại biểu cho rằng, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13

Thảo luận tại Tổ 13 gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành nội dung phiên thảo luận.

Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các nội dung trọng tâm bao gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời, cho ý kiến về: Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Phát biểu thảo luận, các đại  biểu cho rằng, năm 2023 bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ Quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Bày tỏ đồng tình với nội dung cơ bản tại báo cáo của Chính phủ, các đại biểu nhấn mạnh, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới giải pháp nhằm tháo gỡ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp;…

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Lo ngại trước những khó khăn thách thức từ nay đến cuối năm 2023, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ có giải pháp rõ ràng, cụ thể đối với từng nhóm vấn đề cụ thể. Theo đại biểu, cần tập trung công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài  khóa, chính sách vĩ mô khác một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuât, kinh doanh; đảm bảo việc làm cho người lao động;…

Liên quan tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian vừa qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công  đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải… Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Nhất trí với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nêu rõ một số hạn chế trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch chưa phát huy hiệu quả, …đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Trong đó, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; …

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đưa ra những nhận định, phân tích cụ thể đối với vấn đề về an ninh nguồn nước hiện nay. Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, đại biểu đề nghị cần có chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Nguyễn thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tán thành với nhiều nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đại biểu, do quá chú trọng kiểm soát lạm phát khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện chậm đã dẫn tới nhiều bất cập trong  phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị cần có dự  báo, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn,...

Góp ý tại phiên thảo luận, các đại biểu còn đề xuất, Chính phủ tiếp tục có chính sách đầu tư hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp; đề nghị Chính phủ giao kế hoạch vốn tín dụng đầu ra cho ngân hàng chính sách xã hội; Tăng cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,…

Cũng tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận;…

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 13:

Toàn cảnh Phiên họp Tổ 13

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn 

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk 

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham dự Phiên họp Tổ 13

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

 Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc NinhTrần Thị Vân

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham dự Phiên họp Tổ 13

Đại biểu Nguyễn thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đoàn DDBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên họp Tổ 13

Lê Anh - Nghĩa Đức