THẢO LUẬN TỔ 10: TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

25/05/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến. Thảo luận tại Tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp) về đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, đa số đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá, chỉ đạo điều hành quyết liệt, mạnh mẽ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6.5%.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV: ĐỂ CÁC QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI THỰC SỰ ĐỒNG HÀNH, TẠO THUẬN LỢI TỐI ĐA CHO NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10.

Theo chương trình thảo luận tổ, các đại biểu cho ý kiến về 8 nội dung trình Quốc hội, gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.  Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đa số đại biểu Tổ 10 đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đó, với những quyết sách đúng đắn kịp thời của Quốc hội, điều hành linh hoạt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ cũng nỗ lực thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, chính sách về dân tộc, tôn gáo tín ngưỡng, bình đẳng giới… Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận rõ những hạn chế, khó khăn, khách thức đang đặt ra, từ đó có giải pháp phù hợp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Nhấn mạnh nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm hiện nay, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong bối cảnh các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng trong ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và xuất khẩu sang nhiều thị trường. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách, giải pháp tạo mọi điều kiện để các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang các nước.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt, tập trung trong chỉ đạo, điều hành mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 6.5%, trong đó, chú trọng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Theo đại biểu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không có và khó tiếp cận nguồn vốn, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giải ngân quyết liệt.

Cũng tại phiên thảo luận tại Tổ 10, có ý kiến cho rằng, cần ưu tiên giải ngân vốn cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để vực dậy nền kinh tế. Đại biểu cũng nêu tình trạng “muôn thuở” trong việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đó là vướng về thủ tục hồ sơ và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ lo ngại về mục tiêu tăng trường GDP 6.5% khó đạt được bởi tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp; một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Nam tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm. Nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế cả nước quý II/2023 khó có đột phá, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng và các giải pháp tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, có thể cân nhắc chỉ tiêu tăng trưởng sát với tình hình thực tế.

Đại biểu cũng nêu một số tồn tại đang kìm hãm tốc độ phát triển của đất nước đó là tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2023 chậm hơn so với cùng kỳ, trong khi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tăng GDP khoảng 2%. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc thực hiện đăng kiểm thời gian qua gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Giáo thông vận tải, cơ quan điều tra đã bắt giam và khởi tố hơn 600 cán bộ, nhân viên tại các trung tâm đăng kiểm trong cả nước dẫn tới thiếu hụt nhân lực và ùn ứ trong công tác kiểm định.

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Cho ý kiến về nội dung ngày, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đánh giá báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tương đối đầy đủ. Đại biểu cho rằng, nếu đơn thuần dựa vào số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê chỉ phản ánh được một phần thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế, rất cần số liệu bổ sung để nhìn nhận sâu sắc, thực chất, đúng đắn hơn về thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế.

Đại biểu cho biết, theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI vừa công bố cho thấy, qua khảo sát về doanh nghiệp trong năm 2022 cho thấy những con số đáng suy ngẫm, số doanh nghiệp báo lãi giảm so với năm 2021, doanh nghiệp báo lỗ tăng lên, mức độ lạc quan của doanh nghiệp không được cải thiện. Đại biểu nhấn mạnh tìm kiếm khách hàng và tiếp cận nguồn vốn là hai khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải; ngoài ra là những khó khăn về tuyển dụng nhân sự, thủ tục hành chính, biến động của chính sách, pháp luật, khó khăn về môi trường kinh doanh…

Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2023, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt cần sự quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn. Cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh, không nên ban hành thêm quy định nào làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh, nếu cần thiết ban hành quy định mới cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đầu tư cho con người là đầu tư cho lâu dài, cho tăng trưởng bền vững.

Thảo luận tại Tổ 10, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu quan điểm, xã hội ổn định, kinh tế phát triển cần quan tâm đến các lĩnh vực bền vững nông nghiệp, như giáo dục, y tế, lao động. Đại biểu lo ngại tình trạng “chảy máu” lao động có chuyên môn cao, lao động lành nghề; nếu không tận dụng được lực lượng này sẽ dẫn tới tình trạng chuyển dịch từ khu vực nhà nước sang tư nhân, sang các doanh nghiệp FDI, thậm chí xuất khẩu lao động.

Đại biểu băn khoăn, tại sao có thể đầu tư hàng triệu tỉ cho cơ sở hạ tầng nhưng đầu tư cho con người chưa tương xứng, trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn xác định đầu tư cho con người là trung tâm. Vì vậy, theo đại biểu chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động cần được cải thiện và không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà cần có giải pháp đột phá. Đai biểu cũng nhấn mạnh, đầu tư cho con người là đầu tư cho lâu dài, cho tăng trưởng bền vững, công việc này cần được tiến hành ngay từ thời điểm này.

Quan tâm đến tình trạng thất nghiệp đặc biệt là lao động nữ, đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 04 tháng năm 2023 giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78,9 nghìn doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn doanh nghiệp). Điều này đồng nghĩa với số người lao động mất việc làm và mất thu nhạp tăng, đặc biệt tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp ngừng hoạt động, cắt giảm lao động chủ yếu thuộc các ngành gia dày, dệt may, với đặc thù lao động nữ chiếm tỷ lệ rất cao, đa phần là lao động có trình độ phổ thông, độ tuổi trên 40, nên cơ hội tìm việc làm mới rất khó khăn.

Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có một số chính sách hỗ trợ người lao động mất việc, nhưng đại biểu đề nghị Chính phủ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quan tâm, rà soát, đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, từ đó có giải pháp hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng đến lao động nữ; có chính sách hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi thông qua các ngân hàng chính sách xã hội…

Đại biểu cũng nêu thực trạng bạo lực gia đình, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn ở mức đáng báo động nhưng những đối tượng này chưa được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ. Để giải quyết vấn đề này, theo đại biểu cần có biện pháp mạnh mẽ vừa phòng ngừa, vừa xử lý nghiêm minh; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; thiết lập đường dây nóng quốc gia về bạo lực gia đình; xây dựng mô hình một cửa tiếp nhận, xử lý các vụ bạo lực gia đình; hoàn thiện quy trình tiếp nhận tin báo; phân rõ trách nhiệm của cơ quan liên qua và đề cao trách nhiệm của cơ quan được giao…

Một số ý kiến đại biểu cũng nêu thực trạng an sinh xã hội còn nhiều thách thức, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết việc triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 3 và năm thứ 2 đượcc phân bổ vốn nhưng việc triển khai còn chậm. Đây là chương trình nhận được sự quan tâm của người dân, việc ban hành văn bản, cơ chế chính sách cơ bản hoàn thành nhưng một số nội dung, tiểu dự án chưa ban hành văn bản hoặc ban hành văn bản còn chồng chéo mâu thuẫn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đối tượng thụ hưởng, làm chậm tiến độ, áp lực giải ngân nguồn vốn này trong năm 2023 rất lớn.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu.

Các đại biểu tại Tổ 10.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu Trần Thị Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Lan Hương - Nghĩa Đức