THẢO LUẬN TỔ 13: CHÍNH SÁCH MỚI CẦN ĐỘT PHÁ, TRỌNG TÂM TRÁNH DÀN TRẢI

30/05/2023

Chiều 30/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, thảo luận tại Tổ 13 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chính sách mới cần đột phá, trọng tâm, tránh dàn trải,…

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ TẦM NHÌN DÀI HẠN VÀ ĐỘT PHÁ HƠN ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13

Thảo luận tại Tổ 13 gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành nội dung phiên thảo luận.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 nhóm cơ chế chính sách từ Điều 4 đến Điều 10 với 44 nội dung cụ thể. Trong đó, có: Nhóm cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; Nhóm cơ chế chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; Nhóm các cơ chế chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; Nhóm các cơ chế chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Tán thành sự cần thiết, các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các "điểm nghẽn" về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng, phát triển Tp. Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Đánh giá hồ sơ dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đáp ứng yêu cầu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, còn dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đời sống, xã hội và chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành.

Theo các đại biểu, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua. Đồng thời, chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” ;…

Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Phát biểu thảo luận đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nhận định, hiện số lượng chính sách đề nghị là tương đối nhiều nhưng ít có sức nặng mang lại yếu tố đột phá. Do đó, cần nghiên cứu đề xuất chính sách có trọng tâm, có tính tháo gỡ, đột phá cao, tránh dàn trải, theo đó đánh giá tính phù hợp thực tiễn, khả thi và có thể mang lại tác động rõ rệt.

Cũng theo đại biểu tỉnh Hậu Giang, những cơ chế nếu đột phá cần đi đối với việc xác định năng lực thực hiện, khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí. Việc hoạch định dự kiến về tổ chức thực hiện và đánh giá tác động của chính sách phải được lượng hoá, khoa học.

Cùng quan điểm, tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống đề nghị có sự lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đồng thời, cần lưu ý chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm, không quy định vấn đề chưa rõ, tránh vướng mắc trong triển khai.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng kiến nghị, cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững  theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 31. Ngoài ra, đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định về chính sách an sinh xã hôi, cơ chế về y tế, chăm sóc sức khỏe người dân,…

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13

Tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu đặc thù hợp lý, khả thi, bảo đảm góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách; rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến Ngân sách trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; …

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý, dự thảo quy định theo hướng tăng cường phân cấp và ủy quyền. Nhiều nhiệm vụ được giao cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; phân cấp cho nhiều cấp. Do đó, để triển khai các quy định này cần nhiều văn bản hướng dẫn thi hành về quy trình, thủ tục... Vì vậy, đề nghị cần quy định rõ trong điều khoản thi hành những công việc cần triển khai; giao trách nhiệm cụ thể; tránh tình trạng ban hành xong Nghị quyết nhưng không thể vận hành do các tổ chức, cá nhân, các cấp, các ngành không rõ căn cứ triển khai; bổ sung quy định về tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện;…

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13

Cũng tại Phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). 

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Góp ý vào nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu lưu ý cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quy định số 96-QĐ/TW, bảo đảm sự đồng bộ giữa quy định của Nghị quyết của Quốc hội với quy định của Đảng. Đồng thời, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân được thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch, đúng pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác