THẢO LUẬN TẠI TỔ 6: CẦN CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ ĐỂ THU HÚT NHÂN TÀI, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TINH HOA

30/05/2023

Chiều 30/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, các đại biểu đề nghị nghiên cứu để ban hành thêm các chính sách có tính chất đột phá hơn trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ tinh hoa, thu hút nhân tài, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo.

THẢO LUẬN TỔ 6: LÀM RÕ TIÊU CHÍ THĂNG CẤP TRƯỚC HẠN VỚI CẤP BẬC HÀM TỪ ĐẠI TÁ TRỞ XUỐNG

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 6 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Đắk Nông, Trà Vinh.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách.

Các đại biểu nhấn mạnh, các chính sách hiện hành của Tp. Hồ Chí Minh cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, số thu về ngân sách trung ương cao nhất. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng không với Thành phố cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một số đại biểu cho biết, Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5, tuy nhiên để có thêm lý lẽ thuyết phục, căn cứ vững chắc cho việc xem xét, quyết định, đề nghị cần tiếp tục đánh giá tác động cụ thể cả về mặt tích cực và cả những thách thức, tác động không thuận nếu triển khai thực hiện; các ảnh hưởng về chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước, đến các nguồn lực để bảo đảm thực hiện chính sách này nếu được thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp

Tại phiên thảo luận Tổ, một số đại biểu phân tích, để đảm bảo tính khả thi thì các quy định cần mang tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển…Có như vậy đảm bảo cần khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn lâu nay còn tồn tại. Hơn nữa, những chính sách mới đây phải đảm bảo tạo nên tự đột phá mạnh mẽ  theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

Có đại biểu cho rằng, chúng ta đang có chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, vì thế những chính sách đặc thù với Tp.Hồ Chí Minh phải thể hiện được sự lan tỏa, kết nối,mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và cả đất nước, kích thích đăng trưởng cả nước và đảm bảo ngân sách nhà nước.

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, vấn đề trọng tâm trong thiết kế cơ chế đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh không phải là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bởi những khó khăn Tp.Hồ Chí Minh đang đối mặt cũng chính là những khó khăn cả nước, các địa phương đều đang đối mặt tháo gỡ. Trọng tâm nội dung của Nghị quyết lần này cần đặt vào việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Tp.Hồ Chí Minh.

Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, với vấn đề đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan soạn thảo đang kiến nghị được áp dụng phương thức đối tác công tư với các dự án thể thao, văn hóa, trong khi Luật PPP không cho phép áp dụng với các dự án loại này. Đại biểu cho rằng, thể thao và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cho thành phố, vì vậy việc áp dụng phương thức đối tác công tư với các dự án loại này là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Dự thảo Nghị quyết có đề nghị Quốc hội cho phép Tp.Hồ Chí Minh được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. Đại biểu cho rằng nội dung này chưa được thể hiện thuyết phục trong hồ sơ, nên cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá kỹ tác động, thể hiện cụ thể hơn các nguyên tắc để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cùng một số đại biểu cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu để ban hành thêm các chính sách có tính chất đột phá hơn trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ tinh hoa, thu hút nhân tài, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hoạt động của thị trường khoa học công nghệ được sôi động, gắn với các thị trường khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết có những nội dung đang được dự kiến đưa vào dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu cho rằng nên cân nhắc, đối chiếu giữa dự thảo Nghị quyết này và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đưa ra phương án phù hợp, đồng thời có thể đề xuất một số nội dung khác với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để phù hợp với tính chất thí điểm của Nghị quyết.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, khoản 11 Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định, nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng. Đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi toàn bộ công nghệ cần có thời gian, lộ trình phù hợp, do vậy, cần cân nhắc quy định phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ rõ, các quy định trong Dự thảo lần này phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội. Theo đó, những chính sách này bao quát trên nhiều lĩnh vực khác nhau như quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố….Các chính sách này nếu thực hiện thắng lợi thì sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ cho thành phố và toàn vùng. Tuy nhiên, vì số lượng chính sách mới khá lớn nên cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống, tránh vướng mắc trong triển khai.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng về mối quan hệ với các luật liên quan để bảo đảm tính khả thi, hợp lý. Đó là các luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... 

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, vấn đề trọng tâm trong thiết kế cơ chế đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh không phải là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mà cần đặt trọng tâm vào việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cùng một số đại biểu cho biết, cần thiết phải nghiên cứu để ban hành thêm các chính sách có tính chất đột phá hơn trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ tinh hoa, thu hút nhân tài

Một số đại biểu phân tích, để đảm bảo tính khả thi thì các quy định cần mang tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển…

Các đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng về mối quan hệ với các luật liên quan để bảo đảm tính khả thi, hợp lý. Đó là các luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... ./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác