THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: CẦN PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN CHO CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CẤP TỈNH

05/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 05/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 9.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM CẦN CỤ THỂ HÓA QUY ĐỊNH 96-QĐ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 9 

Tổ 9 gồm 26 đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre. Tổ Phó Tổ 9, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, đa số ý kiến tại Tổ 9 tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, trong đó cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện.

Phát biểu tại Tổ 9, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tán thành ý kiến của Uỷ ban Pháp Luật về nhiều nội dung và cho rằng, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) gắn liền với nhiều luật khác liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… Vì vậy, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng băn khoăn dựa vào cơ sở nào, tiền đề nào để thảo luận dự án Luật này. Đại biểu cho rằng, cần dựa vào Luật Đất đai làm căn cứ để điều chỉnh các quy định của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và cần phải nhất quán, nếu vấn đề này chưa rõ thì cần làm sâu sắc hơn.

Góp ý về vấn đề nhà ở thương mại, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần dựa vào Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản để quy định về vấn đề nhà ở thương mại, đặc biệt cần quy định sao cho lợi ích của Nhà nước không bị ảnh hưởng, quy định chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như việc quản lý nhà ở thương mại gắn liền với các hệ thống dịch vụ. Hiện vấn đề này còn nhiều vướng mắc và chưa có quy định nào cụ thể, chủ yếu quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận, không tính đến vấn đề môi trường, đô thị hiện đại…

 Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh 

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, nội dung này liên quan đến đối tượng chính sách, đề nghị quy định liên quan đến đối tượng nào thì dự thảo Luật cần có sự điều chỉnh cụ thể, đánh giá thế nào về nhà dành cho người có thu nhập thấp, cần phân định rõ với nhà ở thương mại… Về vấn đề mua bán kinh doanh bất động sản, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị nội dung này cần bám sát Luật Kinh doanh bất động sản.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần quy định rõ về nhà ở có mục đích hỗn hợp, dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác không phải để ở với dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp… Nếu không định quy định rõ các vấn đề này, sau này khi luật ban hành thì dễ bị lạm dụng.

Liên quan Điều 9, Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nhận thấy, đối với các nhà ở riêng lẻ, có đất và tài sản trên đất, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ, vì nếu không quy định rõ trong luật thì trong thực tế không triển khai được. Đồng thời cần tính toán đến điều kiện thu thút các nhà đầu tư muốn làm ăn lâu dài, còn nếu trường hợp mua để đầu cơ, sử dụng vào các mục đích khác thì cũng cần quy định cụ thể.

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về nội dung này. Đề nghị chỉnh lý chặt chẽ hơn một số nội dung của chương trình phát triển nhà ở để tránh tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản; rà soát lại nội dung của kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời cần rà soát trình tự, thủ tục phê duyệt, thông qua chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, không đặt thêm yêu cầu lấy ý kiến Bộ Xây dựng, đặc biệt cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với nội dung đã được phân cấp.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi 

Cùng quan tâm đến quy định xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần xem xét, chỉnh sửa theo hướng giữ nguyên như khoản 1 Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014 là UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở để trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình.

Đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, hiện nay, Luật Nhà ở và các văn bản khác có liên quan đến cụm từ “nhà ở khép kín, căn hộ khép kín” nhưng chưa có khái niệm, giải thích từ ngữ đối với loại căn hộ này, gây khó khăn trong quá trình quản lý, tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là khi thực hiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét bổ sung khái niệm, giải thích từ ngữ đối với loại nhà ở, căn hộ này.

Góp ý về giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 3 dự thảo giải thích “nhà ở cũ, bao gồm cả nhà chung cư”, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị quy định nội hàm nhà cũ theo niên hạn sử dụng, túc là nhà cũ là nhà đã qua sử dụng trên 30 năm kể từ khi được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì phù hợp hơn.

Về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung đối tượng “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn”. Vì nhà ở hộ nghèo ở nông thôn thường chiếm đa số, đời sống rất khó khăn, nhà thì đơn sơ, tạm bợ, dễ bị hư hỏng, đổ sập khi thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do vậy cần vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để các đối tượng này linh hoạt tiếp cận chính sách nhà ở để cải thiện, kiên cố nhà ở.

Liên quan đến quy định đất để xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm dành đất xây dựng nhà ở xã hội đối với dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất. Đồng thời cần quy định không được chuyển mục đích sử dụng để đảm bảo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.

Góp ý về dự án Luật này, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị bổ sung làm rõ trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các dự án hỗn hợp (nhà chung cư hỗn hợp có nhà ở, nhà phố thương mại, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản. Vì việc hai dự án Luật cùng điều chỉnh về một đối tượng sẽ dễ gây chồng lấn, xung đột và khó khăn trong quá trình áp dụng.

Về khoản 1, Điều 21, đại biểu đề nghị nghiên cứu, sửa đổi nội dung này. Vì việc xác định một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường, trong luật chưa giao trách nhiệm cho một đơn vị cụ thể nào, đồng thời để xác định trong thực tế thì rất khó thực hiện.

Liên quan đến quy định UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua (Điều 31), đại biểu Dương Bình Phú đề nghị không mở rộng đối tượng phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đồng thời làm rõ sự cần thiết tiếp tục quy định các thành phố trực thuộc trung ương phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng về nội dung này./.

Một số hình ảnh thảo luận tại Tổ 9:

Tổ Phó Tổ 9, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy điều hành nội dung thảo luận

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên thảo luận Tổ 9

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, so với quy định hiện hành, nhiều vấn đề của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn nhiều vướng mắc, đề nghị Bộ Xây dựng cần làm rõ các vướng mắc hiện nay, từ đó định hình việc sửa đổi dự án Luật này.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, đánh giá tác động để dự án Luật đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Tổ Phó Tổ 9, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại Tổ 9.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác