THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): NGHIÊM TÚC TIẾP THU CÁC Ý KIẾN THẨM TRA ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT

05/06/2023

Sáng 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này. Tại Tổ 04, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời đánh giá cao và thống nhất với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các nội dung thẩm tra này.

KỊP THỜI PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN, NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP VÀ NGƯỜI NGHÈO

SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT NHÀ Ở: THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ NHÀ Ở

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng

Tổ 4 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở. Đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật hiện hành, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở nhằm hạn chế, ngăn ngừa các khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực nhà ở và bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…

Bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và đặc biệt đặc biệt đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng báo cáo được tiến hành một cách nghiêm túc, nêu nhiều vấn đề cụ thể, do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến thẩm tra. Trong đó lưu ý các nội dung trùng lặp giữa các luật liên quan được Ủy ban Pháp luật chỉ ra.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu chỉ rõ hiện Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, ngoài ra còn liên quan đến các luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…Do đó cần rà soát kỹ lưỡng hơn các quy định để bảo đảm thống nhất. Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn dẫn chứng trong dự án Luật Nhà ở lần này cũng đề cập đến các nội dung như xác định chủ đầu tư, thực hiện chuẩn bị đầu tư, xây dựng nhà ở. Đây cũng là các quy định có trong Luật Kinh doanh bất động sản. Mặt khác các nội dung liên quan đến xây dựng các công trình phải tuân thủ quy định của Luật Xây dựng trong xây dựng công trình dân dụng. Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần rà soát quy định đặc thù để tránh xung đột, mâu thuẫn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn phân tích thêm, dự thảo luật quy định xây dựng nhà ở phải theo quy hoạch nhưng nhà ở khác với xây dựng các công trình khác bởi nhà ở phải gắn với các công trình hạ tầng xã hội. Trường hợp nếu xây dựng các chung cư mà quên mất các công trình trường học, cơ sở y tế…không đồng bộ, khi đó sẽ phát sinh các vấn đề xã hội mà thực tế đã diễn ra.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cũng lưu ý đếncác quy định cấm. Có một số nội dung quy định cấm như cấm gầy ồn hay gây mất an toàn là quy định đã có trong các luật khác; một số nội dung cấm cũng cần cụ thể, xác định giới hạn. Do đó, nên cần chọn nội dung phù hợp bảo đảm dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, qua xem xét các dự thảo Luật cùng trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cho thấy cả 3 dự án luật đều chưa có “van khóa” nhằm kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản, nhà ở. Đại biểu cho biết, kinh nghiệm của các nước trên thế giới đều áp dụng có công cụ về thuế đối với những trường hợp mua ngay, bán ngay, chống lướt sóng.  Do đó, đại biểu Đề nghị nghiên cứu xem xét quy định để điều tiết vấn đề này bởi nếu xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu phân vân khi chưa đề cập đến việc sở hữu nhà chung cư vĩnh viễn hay có thời hạn, bởi sở hữu là vĩnh viễn nhưng nhà chung cư có tuổi thọ công trình. Do đó  trong thực tiễn dễ phát sinh mâu thuẫn khi cải tạo nhà chung cư liên quan đến định giá, phương án bồi thường cần có giải pháp. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cũng đề nghị rà soát kĩ lưỡng dự thảo Luật và cho rằng đối với những nội dung liên quan đến đất đai cần tách riêng và ưu tiên để thể hiện trong Luật Đất đai để bảo đảm thống nhất.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm góp ý cụ thể đối với các nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách phát triển nhà ở xã hội; ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê; về nhà lưu trú công nhân; đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú công nhân; xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận Tổ 04

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Tống Văn Băng - - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác