THẢO LUẬN TỔ 14: XEM XÉT KỸ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ MỐC GIỚI HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

05/06/2023

Chiều 05/6, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tại tổ 14, các đại biểu cho rằng cần xem xét kỹ quy định về tổ chức quản lý mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước để đảm bảo hợp lý, khả thi khi áp dụng pháp luật.

THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN GIẢI QUYẾT KỊP THỜI VẤN ĐỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM, GIẢM THU NHẬP

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận.

Tại phiên thảo luận tổ, các ý kiến ĐBQH nhận định, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.

Đồng thời, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nội dung bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Do đó, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, có nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên cần phải được thể chế rõ như: bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng chống ô nhiễm nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tài nguyên nước; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước theo hướng quản trị nước, đẩy mạnh xã hội hoá ngành nước và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định chi tiết, cụ thể thể hiện nội dung về ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước, đặc biệt là công nghệ số để thống nhất về cơ sở dữ liệu, giảm thiểu nhân lực, quản lý vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thuận lợi trong kiểm tra, giám sát…

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La 

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, về hành lang bảo vệ nguồn nước, khoản 4 Điều 24 trong dự thảo luật quy định, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa quy định tại điểm a khoản 2 Điều này có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định và bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ.

Đại biểu cho rằng việc giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước là chưa phù hợp trong khi chưa phân loại các quy mô hồ chứa và mức độ quan trọng của hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa khác, chưa có tiêu chí để đánh giá việc này sẽ được thực hiện như thế nào trên thực tế. Căn cứ trên quy mô hồ chứa, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ phù hợp quản lý các hồ chứa quy mô nhỏ, phối hợp thực hiện theo góc độ quản lý địa giới hành chính, còn với các hồ thủy điện, thủy lợi dung tích lớn liên quan đến nhiều xã, thậm chí nhiều huyện, nhiều tỉnh thì quy định như trên chưa phù hợp, vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét nội dung này.

Cũng quan tâm đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, có đến hơn 20 nội dung trong dự thảo Luật hiện đang giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị rà soát, cụ thể hóa các quy định ngay trong luật để đảm bảo tính tường minh, rõ ràng của văn bản luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, từ trước tới nay, góc độ tài nguyên của nước ít được khai thác, nước chưa thực sự được coi là một tài sản công, nên chưa có ý thức, biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Tình trạng lãng phí nước, tàn phá nguồn nước xảy ra nhiều. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch do nhiều nguyên nhân nắng nóng kéo dài, ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Vấn đề bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước ngày càng mang ý nghĩa quan trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Về chức năng nguồn nước, khoản 7 Điều 23 trong dự thảo luật quy định, việc xả nước thải vào nguồn nước phải phù hợp với chức năng nguồn nước và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đại biểu cho rằng, quy định này còn chưa rõ về yêu cầu bảo vệ nguồn nước, cần rà soát, quy định lại điều này rõ hơn theo hướng, trước khi xả thải vào nguồn nước thì nước thải đó bắt buộc phải xử lý để đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để không gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đóng góp ý kiến về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, về phạm vi điều chỉnh, khoản 2 Điều 1 của dự thảo luật đã quy định: Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, Điều 30 của dự thảo luật lại quy định về “bảo vệ nước dưới đất”. Đại biểu cho rằng cần rà soát, nghiên cứu, giải thích kỹ lưỡng để đảm bảo phạm vi điều chỉnh rõ ràng và chặt chẽ.

Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông. Đại biểu phân tích, Việt Nam có trên 3 nghìn con sông, suối, nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm nước ở một số khu vực, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Do đó, việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần phải chú trọng.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Nhấn mạnh, hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên nước có ý nghĩa quan trọng, một số ý kiến đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vào hệ thống thông tin tài nguyên nước; làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong cập nhật, chia sẻ thông tin về điều tra cơ bản tài nguyên nước. Điều này nếu được làm tốt sẽ đảm bảo việc sử dụng hiệu quả ngân sách và tài sản công.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các Điều ước quốc tế liên quan; phối hợp, tổ chức rà soát các quy định giữa các Luật để loại bỏ những quy định không cần thiết hoặc dẫn chiếu theo pháp luật hiện hành, nhất là một số nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai; Luật Giao dịch điện tử…

Ngoài ra, một số đại biểu chỉ rõ, trong dự thảo Luật còn có tới 20 nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết trên tổng số 83 Điều luật. Để đảm bảo tính khả thi khi luật đi vào cuộc sống, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để cụ thể hóa bằng các quy định chi tiết trong dự thảo Luật; tránh việc phải ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn dẫn đến sự cồng kềnh trong việc thực thi luật.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Đại biểu Nguyễn Hữu Đông, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La ​cho rằng việc giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước là chưa phù hợp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận

Các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để cụ thể hóa bằng các quy định chi tiết trong dự thảo Luật; tránh việc phải ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn dẫn đến sự cồng kềnh trong việc thực thi luật.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Các bài viết khác