THẢO LUẬN TỔ 10: LÀM RÕ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

20/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Cho ý kiến về dự án luật, các ý kiến tại Tổ 10 đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn sự cần thiết, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, phạm vi điều chỉnh của dự án luật; đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc tổ chức, quy chế hoạt động, địa vị pháp lý, quan hệ công tác, độ tuổi… của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ: RÀ SOÁT, BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, CHẶT CHẼ, KHẢ THI

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10

Tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Góp ý về dự án luật, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 5 Chương, 31 Điều nhưng chưa có điều nào quy định về giải thích từ ngữ. Do vậy, Ban soạn thảo cần rà soát nghiên cứu bổ sung thêm 01 điều về “Giải thích từ ngữ”, để làm rõ các vấn đề để các tầng lớp Nhân dân tiếp cận được có thể hiểu rõ, hiểu đúng các nội dung Luật trong quá trình tổ chức thực hiện tại cấp cơ sở.

Đồng tình với chủ trương thể chế hóa công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở lực lượng hiện có đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, nâng coa thế trận an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, an toàn, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và của cả nước.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng nên nhấn mạnh quan điểm xây dựng luật theo hướng đảm bảo an ninh, trật tự dựa vào cộng đồng. Nếu quy định theo hướng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở dựa vào cộng đồng, cũng cần cân nhắc tên gọi của dự án luật.

Về nguyên tắc tổ chức, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính; phát hiện từ sớm, từ xa, chủ động ngăn ngừa là chủ yếu; dựa vào cộng đồng là chủ đạo. Đồng thời không phát sinh tăng thêm số người thuộc diện chi ngân sách nhà nước; cân nhắc tổng thể bình diện của cả nước để xem xét trọng điểm vùng sâu vùng xa, vùng có yếu tố phức tạp để tăng cường lực lượng cho các địa bàn này.

Về tiêu chuẩn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, đây không  phải là lực lượng chính quy, mà là cánh tay nối dài của lực lượng công an xã, là tai mắt của lực lượng quân đội, của lực lượng công an ở cơ sở, nhưng dự thảo chỉ quy định chung chung về các tiêu chuẩn, đại biểu đề nghị bổ sung thêm tiêu chuẩn về thái độ chính trị, tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng; bổ sung quy định về sức khỏe tinh thần để trong quá trình hoạt động nhiệm vụ được giao đảm bảo khách quan, công tâm, chính trực, không thiên vị. Bên cạnh đó, dự thảo luật chỉ quy định độ tuổi tối thiểu mà không quy định độ tuổi tối đa tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn về cơ sở chính trị, pháp lý; địa vị pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trực thuộc chính quyền địa phương hay là cánh tay nối dài của lực lượng công an xã. Cân nhắc quy định cụ thể về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định tại Điều 5 của dự thảo luật.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, tại khoản 1 dự thảo luật chưa làm rõ được quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với Mặt trận tổ quốc với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do vậy, đề nghị cần bổ sung làm rõ mối quan hệ công tác này để quá trình phối hợp công tác giữa các đơn vị được rõ ràng, làm cơ sở để Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội cấp cơ sở xây dựng chương trình làm việc, cơ chế phối hợp và để thống nhất với khoản 2 Điều 3 về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời thực hiện đúng theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy định giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội.

Khoản 4 Điều 3 về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của dự thảo luật quy định: “Tại nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật này”. Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, quy định như dự thảo là chưa phù hợp, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nội dung này.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, các điều kiệm đảm bảo cho lực lượng này hoạt động; kinh phí do địa phương đảm bảo; việc mua bảo hiểm y tế…

Điều 2 dự thảo luật về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng được tuyển chọn tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn; là lực lượng có chức năng hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh,trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc…, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu...”.

Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, tại Chương II quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được cụ thể hóa nhiệm vụ từ Điều 7 đến Điều 12 thì nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự lại tương đối rộng và thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn so với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu để có sự thống nhất trong các quy định nhằm tạo sự nhất quán khi thực hiện trong thực tế.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ được quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với Mặt trận tổ quốc với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu nghiên cứu tài liệu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị ban soạn thảo làm rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang để nghị làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tham dự phiên thảo luận Tổ 10.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham gia phiên thảo luận Tổ 10.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác