ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 24/2021/QH15 CỦA QUỐC HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

10/08/2023

Sáng 09/8, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, đã giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023” tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thành phố Hồ Chí Minh.

ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THĂM, TẶNG QUÀ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH

Tham gia đoàn giám sát có Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi giám sát.

Loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ đầu giai đoạn 2021 - 2025, sở đã kịp thời tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Chương trình như: Quyết định quy định chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định phê duyệt Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; đặc biệt là chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Kết quả thực hiện các dự án thành phần của chương trình từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã mua và cấp 300.106 thẻ Bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo, với hơn 300,1 tỷ đồng, trong đó đã cấp 191.566 thẻ cho hộ nghèo, với hơn 142,4 tỷ đồng; cấp 87.896 thẻ hộ cận nghèo, với hơn 65,1 tỷ đồng và cấp 20.646 thẻ diện hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo, với hơn 16,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã hỗ trợ 86.034 lượt hộ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn, với trị giá hơn 1,6 tỷ đồng; đã hỗ trợ tiền điện cho 302.204 lượt hộ, với trị giá hơn 45,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ cho 4.674 lượt lao động về mua bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, với hơn 12,8 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho 2.489 lượt lao động hộ nghèo và 2.185 lượt lao động là hộ cận nghèo. Riêng chính sách hỗ trợ nhà ở, đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện xây mới 299 căn nhà tình thương, với hơn 21,8 tỷ đồng, sửa chữa chống dột 1.191 căn nhà tình thương, với gần 55 tỷ đồng và sửa chữa 128 căn nhà tình nghĩa, với gần 6,5 tỷ đồng…

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Như Trang, từ những chính sách hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo bền vững giúp cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước và xã hội; đã sắp xếp tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm... Đặc biệt, quan tâm học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn cùng với sự quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo của phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo và sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần vào hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, tính đến 6 tháng đầu năm 2023, qua rà soát, thành phố Hồ Chí Minh còn lại 39.375 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 155.736 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,55%/tổng hộ dân thành phố Hồ Chí Minh, trong đó 21.308 hộ nghèo, với 83.088 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,84% và 18.067 hộ cận nghèo, với 72.648 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,71%. Dự kiến đến cuối năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và giảm 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng chí Hà Phước Thắng phát biểu tại giám sát.

Cần bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt

Tại buổi giám sát, đa số các đại biểu cho rằng, cần đánh  giá từ quy trình, chất lượng của việc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, phân tích số liệu từ đầu kỳ, so sánh, trong đó so sánh với thời điểm qua giai đoạn khủng hoảng của dịch Covid-19… Bên cạnh đó, đánh giá thêm kết quả, hiệu quả của từng nội dung chính sách; trong đó có đánh giá, lượng giá chất lượng thụ hưởng từ việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo; những khó khăn, rào cản, hạn chế trong việc được thụ hưởng hay kiến nghị đối với các đơn vị cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, đào tạo, hỗ trợ vay vốn,...

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Chí Minh Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng, Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát, đánh giá nguồn nhân lực thực hiện chương trình từ cơ sở đến thành phố Hồ Chí Minh; nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện nội dung hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. Theo đồng chí Trương Lê Mỹ Ngọc, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã có bố trí 4.726 tỷ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND. Năm 2023 bố trí 2.796 tỷ theo NQ 29/NQ-HĐND và có đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương bố trí số vốn này từ vốn đầu tư công năm 2023 để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Một số ý kiến cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh sớm ban hành hướng dẫn, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, góp phần kéo giảm chiều thiếu hụt về dinh dưỡng, tạo nền tảng thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh bổ sung các chính sách nhằm hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện như: giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu; tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt như: chế độ ốm đau, thai sản...

Đồng chí Trương Lê Mỹ Ngọc phát biểu tại giám sát

Sử dụng nguồn lực bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng yêu cầu Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh cần đánh giá lại việc dạy nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhất là đào tạo nghề  và giới thiệu việc làm cho người dân trong đó có hộ nghèo và hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp hội doanh nghiệp trẻ thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tuyển dụng và giới thiệu việc làm cho các đối tượng chính sách và các hộ nghèo; phối hợp với Liên minh hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nông dân trong việc thoát nghèo bền vững…

Kết luận tại buổi giám sát, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và đánh giá cao Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết yêu cầu Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tổ chức sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo và tự vươn lên thoát nghèo, phê phán tình trạng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ chính sách của nhà nước và của cộng đồng.

Bên cạnh đó, có cơ chế, giải pháp nhằm đẩy mạnh truyền thông để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, có điều kiện chăn nuôi trồng trọt, sản xuất kinh doanh... để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác rà soát, cập nhật danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; sử dụng nguồn lực để thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

(Theo trang TTĐT Đảng bộ Tp.HCM)