ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NGÃI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH VỀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

11/10/2023

Sau khi khảo sát tại một số địa phương, sáng 11/10, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cùng các ĐBQH tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NGÃI TIẾP XÚC CỬ TRI XÃ TỊNH KỲ

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2022, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 800 tấn/ngày đêm. Tại các đô thị, khu dân cư tập trung, tổng khối lượng rác được thu gom, xử lý khoảng 500 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực các đô thị trung bình đạt khoảng 75 - 80%; tại khu vực nông thôn đạt khoảng 40 - 50%. 

Công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do các công ty dịch vụ môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc các tổ, đội vệ sinh tại các địa phương thực hiện. 

Chất thải rắn sinh hoạt sau khi đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi rác khác trên địa bàn một số huyện chủ yếu là chôn lấp thông thường, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn, những khu vực chưa được đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển thì người dân tự thu gom và xử lý bằng cách đốt hoặc đào hố để chôn lấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu tại buổi làm việc.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực từ công tác tuyên truyền đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải cũng như công tác xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường… Song, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc.

Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi và các sở, ngành cho rằng, để đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường từ công trình xử lý chất thải rắn đến các công trình xây dựng khác theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam rất khó. Những vị trí đảm bảo yêu cầu khoảng cách thường nằm ở vùng núi, có địa hình phức tạp, xa dân cư, xa nguồn thu gom rác thải... nên chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng lớn; chi phí thu gom, vận chuyển để xử lý rác thải cao. Do đó, việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù các vị trí xử lý chất thải rắn đã có quy hoạch, tuy nhiên khi triển khai thực hiện gặp sự phản đối, không đồng thuận của người dân trong vùng. Công tác tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân khá phức tạp. Với khối lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh thì việc áp dụng công nghệ tiên tiến là không khả thi. 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương trao đổi tại buổi làm việc.

Ở các huyện miền núi, dân cư sinh sống thưa thớt, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các huyện này phần lớn ở các khu vực trung tâm đô thị, trung tâm xã, các khu chợ, trường học, khu dân cư tập trung đông đúc và xử lý bằng cách chôn lấp nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ý thức của một số người dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường gây khó khăn cho việc thu gom, làm mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường…

Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cũng đề cập đến việc cần quan tâm đến xây dựng lò hỏa táng ở Quảng Ngãi để tạo thuận lợi cho việc mai táng người mất. Cần phân cấp, phân quyền lớn hơn cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi làm việc.

Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương. 

Các cấp, ngành đã vào cuộc quyết liệt, cụ thể hóa các văn bản quy định về bảo vệ môi trường của trung ương, tỉnh; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch về quản lý chất thải rắn đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn đảm bảo lộ trình quy định của Luật Bảo vệ môi trường; nâng cao công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho nhân dân...

Về những kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi đối với Chính phủ, Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và sẽ có văn bản gửi đến Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để xem xét hướng dẫn, giải quyết.

* Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã đi khảo sát thực tế tình hình ô nhiễm và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Lý Sơn, Bình Sơn và TX.Đức Phổ.

(Theo Báo điện tử Quảng Ngãi)