THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: RÀ SOÁT, BỔ SUNG, HOÀN THIỆN CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ LỰA CHỌN DỰ ÁN THÍ ĐIỂM

27/10/2023

Chiều 27/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CHO NGƯỜI DÂN

Tổ 3 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi.

Tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng việc Chính phủ trình 02 dự thảo nghị quyết rất kịp thời, đáp ứng được mong mỏi của các địa phương về việc giải quyết các điểm nghẽn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện các dự án, các công trình giao thông trên địa bàn.

Đóng góp ý kiến tai phiên họp về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội được chuẩn bị rất đầy đủ, cơ bản, theo đúng quy định, đầy đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu cho biết, Nghị quyết này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình kỳ họp này với Nghị quyết 38, điều đó đã thể hiện rõ tầm quan trọng cũng như sự cần thiết ban hành Nghị quyết để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đây cũng là một trong những quyết sách mà người dân cũng như các doanh nghiệp ở Trung ương, địa phương đang hết sức mong chờ.

Đại biểu nêu rõ, mỗi kỳ họp Quốc hội lại có những nội dung cấp bách, nhận được sự quan tâm, trông chờ của người dân cũng như các cấp chính quyền. Từ Nghị quyết 30, sau đó là Nghị quyết 43, bây giờ sẽ là Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Góp ý về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, đối với nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm tại Điều 3 và danh mục các dự án đề xuất áp dụng thí điểm kèm theo dự thảo nghị quyết, đại biểu đồng ý với những nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, rất chi tiết, rất cụ thể. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm để đảm bảo các dự án được lựa chọn thực sự phải cần thiết, cấp bách và phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, đề nghị danh mục các dự án đề xuất được ban hành kèm theo Nghị quyết để dễ tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp

Đối với chính sách 2 về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương tại Điều 5 và chính sách vốn về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Điều 7, đại biểu thống nhất với đề xuất chính sách nhưng vẫn phải tiếp tục đánh giá bổ sung, sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách trong thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa, tiền tệ, về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét và quyết định.

Theo đại biểu, việc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt giao thông đường bộ là lĩnh vực trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận chuyển diễn ra thuận lợi, linh hoạt và liên tục. Đại biểu mong muốn nghị quyết này sớm được các đại biểu Quốc hội thông qua và được các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Chính phủ tổ chức thực hiện và sớm đưa nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống và đáp ứng mong mỏi của người dân.

Cùng chia sẻ quan điểm về nội dung này, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết đã quy định các cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án đường bộ được lựa chọn trong phụ lục, và thống nhất phân cấp cho tỉnh là cơ quan chủ quản các dự án cần thiết.

Các đại biểu tại phiên họp

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Điều 7, đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ phục vụ cho dự án được phép, tránh tình trạng lợi dụng, tích trữ, bán cho dự án khác gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước. Về dự án qua nhiều địa phương thì cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn để giao cho một tỉnh làm chủ quản đầu tư. Đồng thời cũng cần quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các tỉnh có liên quan để không chồng chéo, gây xung đột. Về hiệu lực thi hành, đại biểu đề nghị ghi rõ thời điểm thực hiện. Ở trong dự thảo có ghi thời điểm là năm 2025, đại biểu đề nghị ghi rõ thời điểm đến hết năm 2025.

Đồng tình cao về việc cần thiết phải thực hiện cơ chế thí điểm liên quan đến các dự án đường bộ cao tốc, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian vừa qua, khi thực hiện một số chính sách đặc thù trong phục hồi, phát triển kinh tế, đã có một số nội dung qua triển khai đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do vậy những nội dung lần này Chính phủ đưa ra, đại biểu bày tỏ hoàn toàn tán thành, nhất là việc giao cho địa phương một số nơi làm chủ đầu tư trên cơ sở đề xuất của địa phương cũng như năng lực của địa phương.

Liên quan đến vấn đề khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ. Đại biểu cho rằng vì là cơ chế thí điểm nên việc đưa ra danh mục cụ thể là hoàn toàn cần thiết. Bởi như thế ta cũng xác định rất rõ phạm vi thực hiện thí điểm. Trong này đưa ra một số quy định mang tính chất ủy quyền: trong thời gian Quốc hội không họp thì những vấn đề liên quan đến các dự án khác hay cần thiết phải thực hiện thí điểm thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Hoàng Duy Chính, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn mong muốn nghị quyết này sớm được các đại biểu Quốc hội thông qua và được các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Chính phủ tổ chức thực hiện và sớm đưa nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống và đáp ứng mong mỏi của người dân

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung quy định rõ khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ phục vụ cho dự án được phép, tránh tình trạng lợi dụng, tích trữ, bán cho dự án khác gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian vừa qua, khi thực hiện một số chính sách đặc thù trong phục hồi, phát triển kinh tế, đã có một số nội dung qua triển khai đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ./.

Hồ Hương - Minh Thành

Các bài viết khác