THẢO LUẬN TỔ 13: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG, LẤY Ý KIẾN CÔNG CHÚNG ĐỐI VỚI QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

02/11/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 13 (gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang), các ý kiến cơ bản thống nhất cần sửa đổi, bổ sung luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội,, bảo đảm quyền an sinh xã hội và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thực thi luật.

THẢO LUẬN TỔ 13: ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13, gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang

Các ý kiến phát biểu tại Tổ 13 cho rằng, các nội dung của dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, bên cạnh kết quả đạt được, sau 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập trong thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong đó, đại biểu thống nhất với chủ trương giảm số năm đóng BHXH được hưởng hưu trí ừ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia và hưởng chế độ hưu trí khi về già hoặc mất sức lao động.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, có nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật BHXH. Trong đó, về các chế độ BHXH, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung “Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm” là chế độ của bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo; đồng thời bổ sung Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như một quỹ thành phần của quỹ BHXH quy định tại Điều 116 dự thảo.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Tại Điều 5 về các chế độ BHXH đã quy định “bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp” là một trong các chế độ BHXH bắt buộc, đồng thời tại Điều 116 quy định các quỹ thành phần của quỹ BHXH có quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Mặt khác, tại mục 2, Chương III về Tổ chức thực hiện Bảo hiểm xã hội có quy định rất nhiều nội dung về “bảo hiểm thất nghiệp”. Tuy nhiên, hiện nay một phần của “Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp” được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động và “Bảo hiểm thất nghiệp” được quy định tại Luật Việc làm. Như vậy, các chế độ BHXH hiện nay đang được quy định tại 3 luật khác nhau (Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Việc làm).

Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá cụ thể về mối quan hệ giữa Luật BHXH và các luật có điều chỉnh về các chính sách về BHXH để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời để phù hợp nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết 28-NQ/TW đó là: “Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động...” 

  Về quy định hưởng BHXH một lần, Chính phủ đề xuất 02 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70:

- Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

+ Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

+ Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

- Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH."

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lê Ngọc Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đồng tình với phương án 1 và đề nghị điều chỉnh thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm xuống chưa đủ 15 năm để phù hợp với quy định về điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí. Theo đại biểu, việc lựa chọn phương án này là sự kế thừa quy định của Luật BHXH hiện hành. Quy định như phương án 1 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, việc rút BHXH một lần có thể là nguồn tài chính hữu ích để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt. Đồng thời, khi triển khai thực hiện sẽ không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới những người có thời gian bắt đầu tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, khi thực hiện phương án này sẽ nảy sinh bất cập với quy định về điều kiện hưởng lương hưu đang quy định tại Điều 64 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ chưa đủ 20 năm xuống chưa đủ 15 năm.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Cũng có ý kiến đại biểu lựa chọn phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đánh giá tác động chính sách đối với quy định về bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo luật.

Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình vì cho rằng: Phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án, 2 cho rút 50% là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về  tỷ lệ 50%. Do đó, đại biểu đề nghị không nên thiết kế thành hai phương án để lựa chọn một phương án, mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau để người lao động lựa chọn.

Về quy định bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 3), một số ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28 đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đói với quy định về chế độ thai sản đối với trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ và trường hợp nhận nuôi con nuôi (Điều 53, Điều 54), có ý kiến cho rằng, cần quy định theo hướng: trường hợp nhờ mang thai hộ và nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi người mẹ đều không trực tiếp sinh con nhưng người mẹ nhờ mang thai hộ khi không phải nghỉ việc chăm con thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản, còn người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi khi không phải nghỉ việc để chăm con lại không được hưởng chế độ thai sản.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 13:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13, gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị ban soạn thảo bổ sung “Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm” là chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đại biểu Lê Ngọc Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ chưa đủ 20 năm xuống chưa đủ 15 năm.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu

Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị đánh giá kỹ tác động chính sách đối với quy định rút bảo hiểm một lần.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu. 

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kết luận nội dung thảo luận.

Lan Hương - Nghĩa Đức