ĐBQH SÙNG A LỀNH: XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRONG TÌNH HÌNH MỚI

08/11/2023

Sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh Động viên công nghiệp, 14 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, trước yêu cầu của thực tiễn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, cần xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình mới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/11: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Mục đích xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là nhằm hát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân...

Bố cục 07 chương và 73 điều với 05 chính sách nổi bật

Chiều ngày 8/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật có bố cục gồm 07 chương và 73 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua. Mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Đồng thời, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đặc biệt, việc xây dựng luật cũng nhằm huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Dự thảo luật cũng bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp; đồng thời, bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.Đồng thời, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; không đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp quốc phòng làm được và đã làm thì công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Đồng thời, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm của một số nước phù hợp với điều kiện và thực tiễn Việt Nam về tổ chức, hoạt động của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Trên cơ sở nghiên cứu dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh Động viên công nghiệp, 14 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, trước yêu cầu của thực tiễn, cần xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập xuất hiện trong quá trình thực thi hai Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình hiện nay.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, cần xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình mới

Cùng với đó, trong thời gian qua, một số luật đã được Quốc hội thông qua có tác động đến công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, như Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Đầu tư công năm 2019... dòi hỏi phải xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Rà soát đảm bảo tính tương thích và khả thi

Để hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh đề nghị tại khoản 2, Điều 5, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung thêm quy định cấm hành vi chuyển đổi các tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hoặc giao cho doanh nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp để phù hợp với Luật Đất đai hiện hành.

Bên cạnh đó, tại Điều 16 dự thảo Luật quy định: “Dự toán ngân sách Nhà nước trung hạn, hàng năm ưu tiên cho thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất quốc phòng, an ninh và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an mình của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh".

Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, việc sử dụng cụm từ “hàng năm” trong trường hợp này chưa phủ hợp. Vì "hàng giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm" có nghĩa là nhiều giờ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm nhưng không xác định được là bao nhiêu, ý nói khái quát. Còn "hằng giờ/ngày/tuần/tháng/quý năm” có nghĩa là lặp lại trong từng giờ/ ngày/tuần/tháng/quý/năm. Mà việc dự toán ngân sách nhà nước phải làm thường xuyên, lặp đi lặp lại vào một thời điểm cố định. Do đó, trong trường hợp này đề nghị chỉnh sửa từ “hàng năm” thành “hằng năm” cho đúng nghĩa. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh sửa phù hợp các từ "hàng năm", "hằng năm” trong toàn bộ dự thảo Luật.

Liên quan đến quy định về đất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Điều 22, đại biểu cho rằng, để tránh việc quy định chồng chéo hoặc hiểu chưa dùng giữa các văn bản Luật sau khi có hiệu lực thi hành, cơ quan soạn thảo cần xem xét không quy định lại các nội dung đã quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc nếu có quy định thêm thì nên thống nhất trong việc sử dụng cụm từ "Làm công trình công nghiệp” và “Phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh giữa 2 dự thảo luật.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát một số quy định để đảm bảo tính tương thích và khả thi

Ngoài ra, về quy định liên quan đến quản lý, duy trì dây chuyền động viên công nghiệp. Tại Điểm b khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật quy định: Khi có nhu cầu sử dụng trang thiết bị do Nhà nước giao ngoài kế hoạch động viên công nghiệp, doanh nghiệp  phải báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý và Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng phải có văn bản trả lời.

Tuy nhiên, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, thủ tục sử dụng ngoài kế hoạch tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian khi phải báo cáo cơ quan quản lý, Bộ Quốc phòng và thời hạn trả lời là 30 ngày. Quy trình này không phù hợp trong tình huống doanh nghiệp cần huy động gấp máy móc thiết bị để sản xuất đơn hàng. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa để đảm bảo tính khả thi. Do vậy, đề nghị cần cân nhắc lại.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, tại dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần quan tâm đến mức độ tương thích với pháp luật liên quan như: Cần xem xét lại khái niệm “động viên công nghiệp”, để tránh vi phạm đến quyền sở hữu đã được Hiến pháp quy định, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài; xem xét lại khái niệm “công nghệ nền” tại khoản 20, Điều 2 cho phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006… Đồng thời, về hình thức trình bày của dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa kỹ thuật trình bày dự thảo Luật theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2026/ND-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Thu Phương

Các bài viết khác