TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/11: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP
Hoàn thiện khung khổ pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành luật với những lý do như Tờ trình của Chính phủ và đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội kỹ lưỡng. Với 7 chương 73 Điều, các đại biểu ghi nhận dự thảo Luật được chuẩn bị công phu tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát kĩ lưỡng về kĩ thuật văn bản; giải thích từ ngữ; quy định về quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế…
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh thời gian qua, Chính phủ đề xuất nâng 2 pháp lệnh gắn với công nghiệp an ninh thành luật là điều cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình cả Chính phủ, nhấn mạnh qua tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh, cùng với sự phát triển của quân đội, công nghiệp, phát triển khoa học công nghệ và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật. Đại biểu cho biết thêm, thực tế nếu có chiến tranh nêu chỉ dựa vào sản xuất hay dự trữ, mua sắm từ nước ngoài mà không tính đến động viên thì không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc có luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết hiện nay cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vẫn là những văn bản dưới luật và có nhiều điểm không phù hợp với các luật chuyên ngành, chưa thể chế hóa được quan điểm của Đảng trong lĩnh vực này. Vì vậy, đại biểu thống nhất việc Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm tạo điều kiện pháp lý thuận lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật
Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm về tính tương thích của dự án Luật với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo đó, cần rà soát tổng thể các nội dung của dự án Luật có liên quan đến các luật khác như Luật Doanh nghiệp trong các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; các quy chế, cơ chế tài chính của các tổ chức tham gia trong động viên công nghiệp; các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong trường hợp Nhà nước có thể trưng dụng, trưng mua sản phẩm sở hữu trí tuệ, chuyển giao sáng chế, giải pháp sáng kiến kỹ thuật... cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Cùng với đó, những nội dung về vũ khí, quân trang quân dụng, vật liệu nổ cần có sự liên thông với các pháp luật liên quan. Rà soát đảm bảo thống nhất với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong trường hợp giải quyết sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển vũ khí, cháy nổ và các luật liên quan khác như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản...
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu
Cùng quan điểm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần làm rõ hơn mối quan hệ công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh cả khâu nghiên cứu khoa học, sản xuất trang thiết bị vũ khí nhân lực, quản lý nhà nước. Trong đó, quy định về công trình, sản phẩm từ công nghiệp quốc phòng an ninh cần được làm rõ tránh chồng chéo, trùng lắp với các công trình, sản phẩm có trong Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Mặt khác một số quy định cụ thể về nghiên cứu khoa học quốc phòng, an ninh và sản phẩm được tạo ra phải đặt trong mối quan hệ với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ./.