THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: CHÚ TRỌNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NGƯỜI LÁI XE SAU SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE
THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG TÁC ĐỘNG KHI ĐỔI TÊN TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP
Toàn cảnh Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội thảo luận tại Tổ 1.
Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Thảo luận ở Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó, giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Đa số các ĐBQH đều tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển Thủ đô, đã tác động tích cực tới phát triển kinh tế- xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, dự án Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nên việc sửa Luật Thủ đô sao cho phù hợp với thực tiễn sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là cần thiết. Trong dự án Luật cần nhấn mạnh vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nên cần có những đặc thù, chính sách đột phá, mang lại hiệu quả thực tế, thiết thực cho người dân
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có sự đột phá, đặc thù với Thủ đô Hà Nội. Theo đó, trong dự án Luật cần quy định những bước đột phá về chính sách xứng tầm, mang lại hiệu quả thực tế, thiết thực cho người dân. Mỗi chính sách mới cần có sự đánh giá đến đời sống người dân, mọi mặt của đời sống xã hội.
Liên quan đến tài chính ngân sách, chính sách đặc thù trong thực hiện các nguồn thu của Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc sử dụng nguồn chi thường xuyên còn dư cho cho phát triển các dự án, cải tạo, nâng cấp các công trình cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn.
Nhấn mạnh đến vai trò và vị thế của Thủ đô Hà Nội, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, vùng Thủ đô Hà Nội được thành lập từ 2003 (quyết định 118//2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm 8 tỉnh. Quy hoạch Vùng Thủ đô đã được nghiên cứu và phê duyệt tại Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới 2008, đã có điều chỉnh phạm vi Vùng Thủ đô theo quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20/11/2012 bao gồm 10 tỉnh. Điều chỉnh quy hoạch Vùng Thủ đô đã được nghiên cứu và phê duyệt năm 2016 tại quyết định số 768/QĐ-TTg. Trong Luật Thủ đô (2012) đã có xác định cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô. Song trong thực hiện còn hạn chế do cả chủ quan và khách quan nên cần có cơ chế đặc thù. Trong Nghị quyết 15-NQ/TW về phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045 đã nhận diện những kết quả Hà Nội đã đạt được và cũng nhận xét những hạn chế, yếu kém trong đó có Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm.
Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2021 - 2030) được Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII thông qua về nhiệm vụ phát triển Vùng (một trong mười nhiệm vụ chủ yếu) đã có đề cập đến vai trò Thủ đô trong các vùng có liên qua. Trong bối cảnh này, Luật Thủ đô có chương riêng về liên kết và phát triển Vùng là cần thiết, hợp lý. Vai trò Thủ đô Hà Nội không chỉ trong Vùng Thủ đô mà còn với vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 9 tỉnh) và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh). Do vậy, đại biểu Thích Bảo Nghiêm tiêu đề chương V nên là: Liên kết, phát triển Vùng để thực hiện các định hướng nêu trên và phù hợp với khoản 3 điều 46.
Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn
Đóng góp ý kiến trực tiếp vào vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn (Điều 33), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn. Trong đó, cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển. Cùng với đó, cần chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu Hà Nội là điểm đến của du khách, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho thành phố. Dù phát triển đô thị đến mấy cũng phải giữ được truyền thống văn hóa, không để đô thị hóa ảnh hưởng đến văn hóa nông thôn.
Theo Điều 32 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về vấn đề phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, HĐND thành phố Hà Nội quy định chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng, các công trình ngầm công cộng trên địa bàn Thủ đô. Chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện giao thông phát thải thấp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Bày tỏ sự đồng tình với quy định về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng HĐND thành phố Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Thành phố cũng cần được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn một số vướng mắc trong thời gian qua, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, song hành cùng các quy định giao thẩm quyền về chủ trương, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Về nội dung được các đại biểu đề cập đến như di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị để đẩy nhanh quá trình thực hiện cần giao thêm thẩm quyền cho thành phố. Các nội dung này phải được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật.
Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được bổ sung các nội dung xung quanh 9 nhóm chính sách lớn, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.
Đóng góp vào chú trọng phát triển nông nghiệp khi đề cập đến sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới cần thiết phải được ban hành sớm, tạo sự đột phá và tạo khung khổ pháp lý đầy đủ cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong bối cảnh mới, thách thức mới. Theo đó, cần có cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp thủ đô theo hướng xanh, sạch và bền vững. Đề nghị sớm thông qua luật Thủ đô sửa đổi để Hà Nội phát triển xứng tầm với trung tâm văn hóa, chính trị, khoa học công nghệ của cả nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, trong dự án Luật cần nêu bật được trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng thời nhấn mạnh vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nên cần có những đặc thù, chính sách đột phá.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận phiên thảo luận.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cũng cho biết, Tổ Thư ký sẽ tiếp thu tối đa và tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các ĐBQH để hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội đóng góp tại Phiên thảo luận ở Hội trường sắp tới.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 1:
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH Tp.Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được bổ sung các nội dung xung quanh 9 nhóm chính sách lớn, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu quan điểm về một số nội dung trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề cập về quyền và trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Tp.Hà Nội trong việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.
Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm đề cập về liên kết phát triển vùng Thủ đô Hà Nội.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận phiên thảo luận./.