ĐỔI MỚI NGẠCH, BẬC CỦA CÁC THẨM PHÁN

22/11/2023

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với các quy định mới của dự thảo Luật về đổi mới ngạch, bậc các chức danh tư pháp, về nhiệm kỳ Thẩm phán để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Toà án, nâng cao năng lực xét xử, khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay.

TIẾP TỤC RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

HOÀN THIỆN TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ UY TÍN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN

Một trong những nội dung mới của dự thảo Luật quy định về ngạch, bậc Thẩm phán. Theo đó, phán Tòa án nhân dân gồm: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (02 bậc) và Thẩm phán (09 bậc).

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, việc quy định hai ngạch Thẩm phán nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho Thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; khuyến khích Thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.

Phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang 

Đồng thời, nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp “Xác định rõ hệ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn đối với từng chức danh, nhân lực tư pháp. Mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW; để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Toà án, qua đó nâng cao năng lực xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Toà án, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Trong đó, đối với Thẩm phán: bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, thông thạo chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm sống, có tầm hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Thảo luận tại Tổ, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với quy định tại dự thảo Luật để góp phần phục vụ nhiệm vụ công tác xét xử của ngành Tòa án; phù hợp với khối lượng công việc Tòa án các cấp đang đảm nhiệm; khắc phục vướng mắc hiện nay trong việc điều động Thẩm phán từ Tòa án cấp này đến Tòa án cấp khác làm nhiệm vụ; bảo đảm chế độ, chính sách để Thẩm phán yên tâm công tác; tránh tâm lý của người dân về Thẩm phán sơ cấp, trung cấp giải quyết công việc của họ. Việc quy định ngạch, bậc Thẩm phán như trong dự thảo để các Thẩm phán phấn đấu về chuyên môn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Tổ 09 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Phú Yên, Bến Tre

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu để quy định về ngạch, bậc Thẩm phán bảo đảm sự tương thích, phù hợp với các luật liên quan; đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần đánh giá gắn với việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Có ý kiến băn khoăn về quy định Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có 02 bậc, Thẩm phán có 09 bậc; chưa rõ việc sẽ bố trí cụ thể ngạch, bậc Thẩm phán được xét xử cấp nào; đề nghị có báo cáo giải trình, so sánh, đánh giá tác động của việc điều chỉnh ngạch, bậc Thẩm phán.

Bày tỏ tán thành với quy định của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng quy định này phù hợp với công tác của Tòa án. Bởi hiện nay có một thực tế khi phân ngạch, bậc thẩm phán gồm thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp đã tạo ra tâm lý đối với người dân giải quyết các vụ việc tại Tòa án cho rằng sơ cấp thì trình độ thấp hơn nên không thực sự yên tâm.

Cùng với đó, đối với bản thân thẩm phán sơ cấp, trung cấp theo từng cấp cũng không đảm bảo sự công bằng giữa các cấp. Thực tế với các ngành như hiện  nay việc luân chuyển thẩm phán là rất khó khăn và cũng không khuyến khích được các thẩm phán ở các cấp có cơ hội khẳng định, thể hiện công việc của mình tốt hơn. Do đó quy định như dự thảo Luật là phù hợp góp phần khuyến khích, động viên phấn đấu của mỗi thẩm phán; khắc phục những khó khăn bất cập trong bổ nhiệm thẩm phán và thực hiện chính sách đối với thẩm phán.

Đại biểu Mai Khanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Tổ 12

Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Mai Khanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 phân ra bốn cấp thẩm phán là thẩm phán tối cao, thẩm phán cấp cao, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Qua 9 năm thực hiện Luật đã cho thấy quy định này gây ra trở ngại. Một là thủ tục thi tuyển nâng ngạch thẩm phán rất mất thời gian. Có thể khi tổ chức thi tuyển nâng ngạch thẩm phán là mất 6 tháng đến một năm mới lựa chọn được một thẩm phán. Hai là cản trở đến việc điều động thẩm phán giữa các cấp, bởi một thẩm phán có thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nhiệm vụ nhưng để luân chuyển một thẩm phán từ cấp sơ thẩm nâng cấp phúc thẩm hay từ cấp phúc thẩm lên cấp cao và từ cấp cao lên tối cáo phải trải qua rất nhiều những thủ tục rườm rà, cản trở đến việc luân chuyển, điều động cán bộ trong hệ thống Tòa án. Trong khi hiện nay, về cơ bản, đào tạo thẩm phán ở các cấp đã rất chính quy và đầy đủ. Từ thực tiễn đã cho thấy quy định như Luật năm 2014 đã bộc lộ nhiều nội dung cản trở.

Khối lượng công việc đối với thẩm phán hiện đang quá tải. Cách đây 10 năm, số lượng án phải giải quyết trong cả nước từ 150.000 đến 200.000 vụ án, đến nay là khoảng 600.000 vụ/năm nhưng biên chế thực hiện tinh giản đã giảm đi khoảng gần một nửa so với cách đây 10 năm. Do đó, dự thảo Luật lần này cơ cấu lại hai ngạch thẩm phán gồm thẩm phán tối cao và thẩm phán sẽ làm cho cơ chế điều động, luân chuyển thẩm phán giữa các cấp thuận tiện hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên thảo tại Tổ 12

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng xác định hai ngạch đối với chức danh thẩm phán gồm thẩm phán tối cao và thẩm phán là phù hợp với đặc thù của công tác tòa án. Đại biểu chỉ rõ, thẩm phán là người mà nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ xét xử theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Để giải quyết, xét xử tốt các loại vụ án đòi hỏi thẩm phán ở các Tòa đều phải có trình độ, năng lực cao và đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ và xét xử.

Việc mà định ra chức danh thẩm phán sơ cấp, trung cấp như hiện nay đã ít nhiều tạo ra sự hiểu sai về trình độ, năng lực của thẩm phán, ảnh hưởng đến lòng tin và sự tín nhiệm của người dân đối với thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp. Vì vậy, việc quy định chỉ có hai ngạch thẩm phán sẽ nâng cao sự tín nhiệm của người dân đối với các thẩm phán, công tác tòa án cấp sơ thẩm, đồng thời bảo đảm được sự công bằng, bình đẳng giữa các thẩm phán; nâng cao tính nghề nghiệp của thẩm phán đối với công chúng; khuyến khích thẩm phán yên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết thêm, quy định về số lượng thẩm phán trong mỗi ngạch như hiện nay dẫn đến có những thẩm phán sơ cấp, trung cấp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm thẩm phán trung cấp, cao cấp nhưng lại không thể bổ nhiệm được,do giới hạn về số lượng thẩm phán. Bên cạnh đó, việc xây dựng, thực hiện chế độ chính sách với từng ngạch thẩm phán cũng phát sinh khó khăn, bất cấp. Có những người có thâm niên công tác như nhau, có trình độ, phẩm chất chính trị như nhau nhưng những người được bổ nhiệm làm thẩm phán sơ cấp ở Tóa án cấp huyện thiệt thòi về chính sách và chế độ hơn so với những người được bổ nhiệm làm thẩm phán trung cấp ở Tòa án cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 11 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Tây Ninh, Tuyên Quang, Sơn La

Góp ý về quy định bổ nhiệm thẩm phán, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cho rằng dự thảo Luật đã có sự đổi mới tiến bộ về quy định nhiệm kỳ của thẩm phán. Điều 100 dự thảo Luật quy định theo hướng: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu hoặc chuyện công tác khác. Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Cho rằng quy định này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW, Nghị quyết 27-NQ/TW, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy làm rõ thẩm phán là chức danh tư pháp không phải là người giữ chức vụ. Do đó, quy định như dự thảo Luật giúp thẩm phán yên tâm công tác, tăng tính độc lập của thẩm phán khi xét xử.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng nếu chỉ dừng lại như dự thảo là chưa công bằng mà phải ràng buộc hết sức chặt chẽ. Bởi trường hợp cho bổ nhiệm gần như là bổ nhiệm suốt đời. Nếu anh xét xử oan sai, không đúng quy định của pháp luật phải phân tích yếu tố lỗi cố ý, chủ quan và tùy theo mức độ theo chủ quan phải xử lý theo quy định của luật và cho nghỉ. Trường hợp xét xử có oan sai do lỗi vô ý, lỗi khách quan thì cân nhắc để chuyển công tác.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng việc cải cách, bổ nhiệm lại thẩm phán như trong dự thảo Luật lần này có cải cách nhưng không triệt để. Đại biểu đặt vấn đề tại sao lại không bổ nhiệm thẩm phán như thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là bổ nhiệm một lần cho suốt đời? Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, việc bổ nhiệm lại là để xem xét thẩm phán có còn đủ điều kiện để bổ nhiệm hay không. Việc bổ nhiệm lại nếu để kiểm tra điều kiện bổ nhiệm thì có thể thay bằng công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên hằng năm. Thẩm phán về cơ bản là đảng viên. Vì vậy, thay vì một lần bổ nhiệm lại thì tiến hành kiểm tra, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên hằng năm sẽ giá trị thường xuyên, giá trị giáo dục tốt hơn việc 5 năm mới xem xét lại một lần.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu tại Tổ 09

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh, nếu Ban soạn thảo đã quan tâm đến việc cải cách và tạo sự yên tâm công tác cho thẩm phán thì nên xem xét bỏ quy định về bổ nhiệm lại. Khi đã bổ nhiệm là bổ nhiệm suốt đời. Khi thẩm phán có vi phạm hình sự, hành chính hay vi phạm đạo đức công vụ thì đã có rất nhiều quy định của Đảng và Nhà nước quy định.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và cho biết sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội./.

Bảo Yến

Các bài viết khác