PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI QUẢNG NGÃI
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, bà Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và một số hoạt động chủ yếu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Sau 22,5 ngày làm việc, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đó là thông qua 07 Luật, 09 Nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Trong thời gian qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tham dự đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cử tri quan tâm và các vấn đề của tỉnh để thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội; tiến hành chất vấn người đứng đầu Bộ, ngành. Tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đầy đủ. Trong năm 2023, Đoàn tổ chức tiếp xúc cử tri 12 ở các huyện; tổ chức đoàn làm việc với các cơ quan, tổ chức đơn vị liên quan để xem xét kiến nghị của cử tri, các vấn đề nổi cộm ở địa phương.
Tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình hoạt động của ngành trong thời gian qua. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãicó 585 đơn vị, cơ sở giáo dục với hơn 279 ngàn học sinh và 18.366 cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Toàn tỉnh có 412 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh Quảng Ngãi luôn duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 100% các huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 1. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đạt 97,27%.
Để đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện để đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên trên toàn tỉnh cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng đều về cơ cấu.
Cử tri là cán bộ, giáo viên ngành giáo dục ý kiến nhiều vấn đề nóng liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên, học sinh
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục và giáo viên tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều ý kiến, đề xuất một số vấn đề liên quan đến ngành giáo dục như bổ sung thêm nhóm được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định số 105 của Chính phủ về việc quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Đó là, chế độ ăn trưa cho nhà trẻ từ 1-2 tuổi (theo Nghị định 105 chỉ có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo); Chế độ cho giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở điểm chính (theo Nghị định 105 chỉ quy định giáo viên dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn). Sớm thực hiện chế độ tiền lương mới cho giáo viên, đảm bảo mức thu nhập từ tiền lương ổn định, thỏa đáng; ghi nhận, tôn trọng ngành nghề lao động đặc thù đối với nghề giáo viên. Sửa đổi, bổ sung Nghị định 120 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Cử tri kiến nghị sửa đổi, bổ sung để có sự thống nhất giữa Nghị định 116 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, để thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.
Điều chỉnh một số nội dung Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giám học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi tổ chức thực hiện.
Xem xét sửa đổi những bất cập, lỗi thời một số quy định của Thông tư liên tịch 109 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính về một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, nhất là chính sách về học bổng. Sớm thực hiện chế độ tiền lương mới cho giáo viên; đồng thời mong muốn xã hội cần có một góc nhìn đa chiều hơn về dạy thêm học thêm, không thể coi dạy thêm như một vấn nạn. Xem xét kéo dài chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh đối với các xã miền núi về đích nông thôn mới.
Để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ có hướng giải quyết trong khâu tuyển dụng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông). Vì hiện nay, còn nhiều sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng trình độ đào tạo và điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển theo quy định, nên các địa phương tuyển dụng không đủ chỉ tiêu được giao.
Nhiều ý kiến cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất tại các trường mầm non, phổ thôn, nhất là tại các huyện miền núi, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác của Trung ương để đáp ứng đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương gửi lời chúc mừng, lời cảm ơn đối với tất cả đội ngũ cán bộ quản lý ngành giáo dục và giáo viên tỉnh Quảng Ngãi vì đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, các kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và cho học sinh được quan tâm và những vướng mắc, bất cập được cán bộ, giáo viên nêu lên sẽ được trung ương tập trung tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng lưu ý tệ nạn ma tuý, bạo lực học đường, thuốc lá thế hệ mới vẫn len lỏi vào học đường nên ngành giáo dục và địa phương cần phải có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn để môi trường giáo dục được an toàn. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quan tâm cho sự nghiệp giáo dục, nhất là công tác đào tạo nghề.