HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

03/12/2023

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra sau 22,5 ngày làm việc.

BẮC KẠN: ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP XÚC CỬ TRI NƠI LÀM VIỆC

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tham dự Kỳ họp, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, các vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tập trung nghiên cứu, tham gia trên 30 lượt phát biểu tại Hội trường và tại Tổ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng các dự án luật và thảo luận về các vấn đề quan trọng của quốc gia, qua đó chuyển tải nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tiễn về những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Công tác lập pháp được xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng

Trong kỳ họp, các vị ĐBQH đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến góp ý hoàn thiện 07 luật, 09 nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua; cho ý kiến lần 3 đối với Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác.

Nhất trí với việc Quốc hội điều chỉnh thời gian, quyết định chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp này. Các đại biểu đều cho rằng, đây là những dự án Luật phức tạp, có tính chất đặc biệt quan trọng, cũng như liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Do đó, Quốc hội cần có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia, xem xét kỹ lưỡng và toàn diện toàn bộ dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi Quốc hội quyết định thông qua.

Phản ánh hiệu quả nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, từ ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, các vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều ý kiến gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương.

Tại các phiên thảo luận tại Tổ và họp toàn thể tại Hội trường, các đại biểu tập trung phản ánh tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh BHYT trong các cơ sở y tế công lập; đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc và có cơ chế hoàn trả chi phí cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không được hưởng thuốc trong danh mục BHYT; đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tình hình, có chính sách hỗ trợ BHYT đối với người dân ở các xã mới về đích nông thôn mới của các tỉnh không cân đối được ngân sách; đề nghị Chính phủ sớm cụ thể hóa Chỉ thị số 13-CT/TW và Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung vào các chính sách khoán bảo vệ rừng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển thị trường tín chỉ carbon… để người dân “mặn mà” hơn với công tác bảo vệ rừng.

Thực hiện quyền giám sát tối cao, trong phiên chất vấn tại kỳ họp, các đại biểu tỉnh Bắc Kạn đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chậm chi trả tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực II, khu vực III, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Ngay trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã trả lời và nhận trách nhiệm sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ cấp bù số kinh phí này. Vừa qua Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Đoàn ĐBQH tỉnh giải trình làm rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả tiền khoán chăm sóc và bảo vệ rừng năm 2021. Để khắc phục vướng mắc này, mới đây Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản trả lời sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban Dân tộc rà soát, tổng hợp và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, theo đó phương án phân bổ vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 đã phân bổ kinh phí để thực hiện khoán bảo vệ rừng tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2021 cho 10 địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Tham gia thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các vị đại biểu tỉnh Bắc Kạn đã phản ánh về những khó khăn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình tại địa phương, từ đó kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho phép chuyển nguồn số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024; quan tâm đến chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức đang công tác và sinh sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; giúp đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia để tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại...

Từ những ý kiến của đại biểu tỉnh Bắc Kạn, trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đã nêu rõ: “Giải quyết triệt để việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng trong Quý I năm 2024; nghiên cứu nâng định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn và điều kiện ngân sách; phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, tạo việc làm, sinh kế dưới tán rừng”; “Bố trí đủ nguồn lực, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” và “Phấn đấu trong năm 2024, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo; ưu tiên thực hiện đối với 178 thôn chưa có sóng thuộc khu vực đặc biệt khó khăn”.

Còn trong Nghị quyết giám sát chuyên đề về 3 Chương trình MTQG, Quốc hội đã quyết nghị: Cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024; thông qua chủ trương đầu tư và giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, giải quyết khó khăn cho địa phương

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình cao với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp, đồng thời giải tỏa những “điểm nghẽn” trong thực tiễn triển khai các dự án, công trình giao thông, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ.

Theo Nghị quyết này, tỉnh Bắc Kạn sẽ là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang- là 1 trong 10 dự án được thực hiện thí điểm cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng nguồn ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác.

Đồng thời, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn cũng thuộc Danh mục dự án đường cao tốc, đường quốc lộ được áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện thí điểm trong Nghị quyết này.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia dự thính tại Kỳ họp thứ 6.

Bên cạnh chương trình nghị sự của Kỳ họp, các vị ĐBQH trong Đoàn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều hành phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, chủ động thảo luận với ĐBQH các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh có những khó khăn, vướng mắc tương đồng để tìm “tiếng nói chung”, tạo sự đồng thuận cao khi đưa ra các kiến nghị, giải pháp…

Chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã khép lại với những kết quả tốt đẹp. Thông qua các hoạt động xây dựng luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, các vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã phản ánh, chuyển tải đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương và tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri, Nhân dân trong tỉnh và trong khu vực. Từ đó, kiến nghị nhiều giải pháp sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, được Quốc hội ghi nhận trong các nghị quyết ban hành tại Kỳ họp, góp phần tháo gỡ dần những khó khăn, bất cập, tạo điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

(Theo Báo điện tử Bắc Kạn)