Năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH) tỉnh Hoà Bình tiếp tục có những biến động về công tác tổ chức. Song với sự cố gắng nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, thống nhất và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các mặt công tác. Cụ thể:
Xác định lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Vì vậy, hoạt động xây dựng pháp luật luôn được Đoàn quan tâm chú trọng và có nhiều đổi mới. Trước các kỳ họp, Đoàn ĐBQH đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, các chuyên gia trên địa bàn tỉnh theo từng nhóm các dự án luật; tổ chức khảo sát việc thi hành các luật, pháp lệnh và làm việc với các sở, ngành liên quan đến dự thảo luật để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, thực hiện; kết hợp lấy ý kiến cử tri góp ý vào các dự án luật thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri…. Năm 2023, Đoàn đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào 05 dự án luật; xây dựng văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn, các cơ quan hữu quan của tỉnh, các chuyên gia đóng góp vào 15 dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 5 và 17 dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 6. Nhờ đó, các nội dung mà Đoàn ĐBQH kiến nghị không chỉ hoàn thiện, bổ sung các dự án luật mà còn sát với tình hình thực tiễn tại địa phương và giải quyết được những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo luật và các nội dung liên quan để có đánh giá, phản biện sâu sắc về các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính hợp lý, khả thi, bảo đảm tính minh bạch, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Năm 2023, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào nhiều dự thảo luật với 27 lượt phát biểu tại tổ; 02 lượt phát biểu tại hội trường, trong đó nhiều ý kiến đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, sửa đổi, bổ sung ngay tại kỳ họp.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH và các đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết, dự thảo Luật, thẩm tra dự án Luật theo yêu cầu của Ban Công tác đại biểu, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội.
Hoạt động khảo sát, giám sát cũng đã được Đoàn ĐBQH coi trọng và có nhiều đổi mới, tập trung gắn với các vấn đề nóng, bức xúc đang được đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. Trên cơ sở Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng Chương trình hoạt động giám sát năm 2023 và tổ chức triển khai các hoạt động giám sát đảm bảo theo kế hoạch, chương trình đề ra.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tổ chức khảo sát thực tế tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Đoàn đã tham gia 03 Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hòa Bình; tổ chức 16 cuộc giám sát với 07 cuộc khảo sát của Đoàn ĐBQH theo kế hoạch; khảo sát 09 chuyên đề để nắm tình hình thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến nội dung các luật trình tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6. Có thể thấy, trong năm qua số lượng các cuộc khảo sát, giám sát tăng đáng kể so với năm 2021, 2022; các cuộc khảo sát, giám sát thực tế cũng được tổ chức nhiều hơn do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát.
Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tiếp tục được đổi mới, kết hợp giữa khảo sát thực tế và xem xét báo cáo, giám sát trực tiếp. Qua hoạt động khảo sát, giám sát, nhận thức trong quá trình thực thi pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát được thay đổi tích cực; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cũng như khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan dân cử. Bên cạnh đó, đa số các cơ quan chịu sự giám sát đã xây dựng báo cáo cơ bản bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu của đề cương báo cáo; cung cấp tương đối đầy đủ, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát; kịp thời bổ sung nội dung thông tin cần thiết có liên quan theo yêu cầu của Đoàn ĐBQH; phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để Đoàn ĐBQH tiến hành giám sát; nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát.
Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn cũng đã tích cực tham gia các Đoàn khảo sát, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH cũng đã xây dựng các văn bản, báo cáo định kỳ theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tỉnh ủy Hòa Bình.
Về giám sát theo chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Việc tổ chức giám sát theo chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương đã được Đoàn triển khai đảm bảo theo yêu cầu. Bám sát nội dung các chuyên đề, Đoàn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát đối với 03 chuyên đề. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến chuyên đề giám sát và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị là đối tượng giám sát thực hiện đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình giám sát triển khai đầu tư Trung tâm Y tế thành phố Hòa Bình.
Về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội
Trên cơ sở rà soát những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, giám sát với 02 chuyên đề tại UBND tỉnh và các huyện, thành phố: (1) đối với giám sát chuyên đề “Việc quản lý, vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”, Đoàn đã thực hiện khảo sát 14 công trình nước sạch tại 04 huyện, thành phố và trao đổi, lắng nghe ý kiến các hộ dân được thụ hưởng công trình để nắm bắt thực trạng việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Qua khảo sát tại các địa phương và giám sát tại UBND tỉnh Hòa Bình cho thấy nhiều tồn tại, bất cập trong đầu tư, quản lý và khai thác, sử dụng đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, từ đó Đoàn cũng đã có những đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan chức năng ở địa phương. (2) đối với giám sát chuyên đề “Việc xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội”, Đoàn thực hiện khảo sát 15 công trình tại 04 huyện, thành phố (trong đó có 08 dự án theo yêu cầu của Nghị quyết số 74/2022/QH15 và 07 dự án khác sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước). Trong quá trình khảo sát thực tế, Đoàn đã trực tiếp trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư để nắm bắt được thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Qua khảo sát tại các địa phương và giám sát tại UBND tỉnh Hòa Bình, Đoàn đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn bất cập trong việc quản lý, xử lý đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và kiến nghị các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp luôn là nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, chú ý theo dõi. Thực hiện quyền giám sát tối cao trong các phiên chất vấn tại Kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, Đoàn ĐBQH đã tham gia chất vấn Lãnh đạo Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành. Đồng thời, tham gia thảo luận đối với các nội dung giám sát tối cao tại kỳ họp. Trong đó, không chỉ tập trung đánh giá những kết quả đạt được; làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà còn chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đối với những nội dung đòi hỏi có lộ trình thực hiện phải được Quốc hội, các Đoàn ĐBQH bám sát, theo đến cùng, giám sát lại (nếu cần thiết).
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Việc quyết định các vấn đề quan trọng
Tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, tập trung thảo luận cho ý kiến vào các nội dung theo Chương trình kỳ họp.
Các đại biểu trong Đoàn đã tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị kỹ các nội dung và tích cực tham gia, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm vào chương trình nghị sự với 27 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 07 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, tham gia đóng góp nhiều ý kiến bằng văn bản vào các nội dung quan trọng trình và xin ý kiến tại các Kỳ họp, nhiều ý kiến của đại biểu tỉnh Hòa Bình đã được xem xét, tiếp thu.
Đặc biệt, bên lề Quốc hội các đại biểu trong Đoàn đã tích cực tham gia các hoạt động truyền thông báo chí về các nội dung tại kỳ họp. Qua đó, tiếp tục kiến nghị một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo động lực cho địa phương phát triển về kinh tế - xã hội. Đồng thời, thông qua các hoạt động truyền thông báo chí đã truyền tải đầy đủ, đa dạng đến cử tri về hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh nhà.
Việc tham gia thảo luận về công tác nhân sự và bỏ phiếu tín nhiệm tại các kỳ họp được các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình biểu quyết thông qua dự án Luật.
Xác định nhiệm vụ tiếp xúc cử tri là một trong những hoạt động quan trọng, không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ của người đại biểu - thể hiện vai trò đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, là cầu nối giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định, đồng thời có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, sát với thực tiễn; quyết tâm theo đuổi, bám sát đến cùng đối với những kiến nghị chính đáng của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm.
Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức các Hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại 13 điểm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hoạt động TXCT cũng đã được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện đa dạng. Bên cạnh hoạt động tiếp xúc cử tri thường lệ theo định kỳ trước và sau Kỳ họp Quốc hội, Đoàn cũng đã tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ ĐBQH, Đoàn ĐBQH xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung tại kỳ họp. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri mà đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về một số cơ chế, chính sách và thông tin các kiến nghị đã được cơ quan chức năng trả lời, giải quyết theo thẩm quyền. Qua đó, đã góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần và nâng cao vị thế, vai trò của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn ĐBQH tỉnh rà soát, tổng hợp đầy đủ; phân loại gửi đến các cơ quan Trung ương và địa phương để giải quyết theo thẩm quyền. Đối với những việc khó, cần nhiều nguồn lực hoặc cần sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, Đoàn đã đề xuất các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, có lộ trình giải quyết cụ thể. Mặt khác, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương; Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương đã được Đoàn kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để thông tin đến cử tri. Đồng thời theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của các cơ quan chức năng khi cần thiết. Từ đó tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân đối với người đại diện của mình.
Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, phối hợp thực hiện hiệu quả, ngày càng khẳng định được vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH với cử tri và Nhân dân. Trên cơ sở Quy chế tiếp công dân của ĐBQH khóa XV đã được Đoàn ĐBQH tỉnh ban hành và lịch phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp công dân, các đại biểu đã chủ động, tham gia đầy đủ, trách nhiệm hoạt động tiếp công dân định kỳ, đột xuất tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh theo quy định. Các kiến nghị, đề nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trong kỳ tiếp công dân được tổng hợp, kiến nghị tới các cơ quan nhà nước thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Việc tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2023, Đoàn ĐBQH đã tiếp nhận, phân loại và xử lý 131 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và trả lời công dân của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Tân Lạc.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các hoạt động theo quy định, các ĐBQH trong Đoàn còn tích cực dành thời gian tham gia hoạt động đối ngoại của Quốc hội, của cơ quan Trung ương và của tỉnh, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng (lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; các lớp tập huấn kỹ năng do Ban Công tác đại biểu tổ chức...). Tổ chức, tham gia các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn ứng cử và ngoài địa bàn ứng cử.
Ngoài ra, các đại biểu chuyên trách trong Đoàn đã tích cực tham dự các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, chủ động nắm bắt thông tin và diễn tiến các vấn đề chuẩn bị trình tại kỳ họp; tham gia thảo luận và cho ý kiến về các dự án luật trước khi trình ra kỳ họp Quốc hội; tham dự các Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các hội nghị chuyên đề, bồi dưỡng kỹ năng do các cơ quan của Quốc hội tổ chức. Đặc biệt, tại các Hội nghị đại biểu chuyên trách đã đưa ra những định hướng lớn, vấn đề ở tầm chính sách của các dự án luật, đây cũng là hình thức để các đại biểu chuyên trách sớm tiếp cận với những dự án khác thuộc tầm quan trọng quốc gia, nhất là về các vấn đề kinh tế, ngân sách./.
|
Đại biểu Đặng Bích Ngọc
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình
|