ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC NHỜ SỰ CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO, CẢI TIẾN VÀ ĐỔI MỚI

31/12/2023

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của Quốc hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và Nhân dân. Các hoạt động góp ý vào các dự án luật trình, xem xét cho ý kiến các vấn đề quan trọng của đất nước, nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp, hay triển khai các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH GIA LAI: PHÁT HUY TINH THẦN XÂY DỰNG, DÂN CHỦ, TRÍ TUỆ, THẲNG THẮN, ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TRAO GỬI

Năm 2023, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Bắc Ninh gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới bên ngoài và trong nước tiếp tục có những diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Song được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sự phối hợp chặt chẽ của HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cử tri và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cùng với sự nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo và có nhiều cải tiến, đổi mới các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả tích cực.

Tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các kỳ họp Quốc hội, hội nghị và các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2023, Quốc hội đã tổ chức thành công 3 kỳ họp bất thường và 2 kỳ họp thường lệ (kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6) Quốc hội khoá XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 02 phiên chất vấn trực tuyến kết nối từ toà Nhà Quốc hội tới 62 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 01 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV và 01 Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội. 

Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của Quốc hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Các đại biểu trong Đoàn cơ bản tham dự đầy đủ phiên họp, kỳ họp Quốc hội, chấp hành nghiêm túc nội quy kỳ họp. Để chuẩn bị các nội dung tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội để nắm bắt thông tin. Đồng thời dành nhiều thời gian nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến thể hiện ý thức trách nhiệm cao trước cử tri.

Tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tham gia phát biểu 46 lượt ý kiến, trong đó có 32 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 8 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 05 lượt chất vấn và 01 lượt tranh luận để làm rõ và đóng góp vào các dự án Luật và các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… Nhiều vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm đã được các ĐBQH trong Đoàn chuyển tải đến Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm để xem xét giải quyết như: Việc triển khai thực hiện chính sách về nhà ở xã hội và những giải pháp nhằm giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội; danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá; giải pháp để đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội …

Bên cạnh đó, ĐBQH trong Đoàn đã tham gia trả lời phỏng vấn, gặp gỡ các Bộ trưởng, Trưởng ngành bên lề kỳ họp, thông qua hình thức này đã góp phần làm rõ thêm các nội dung của các dự án Luật cũng như chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội và tuyên truyền về thành công của kỳ họp.

Tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận về các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Căn cứ Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trước mỗi kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp của các vị ĐBQH, các ngành có liên quan vào các dự án luật bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, lấy ý kiến bằng văn bản đóng góp vào các dự án luật, tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề; đăng tải các dự án luật trên Công thông tin điện tử của tỉnh để lấy ý kiến đóng góp của cử tri và Nhân dân. Cụ thể, Đoàn ĐBQH đã tổ chức 08 hội nghị và ban hành 40 văn bản lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia đóng góp xây dựng luật của ĐBQH, các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp Nhân dân... Đoàn ĐBQH đã tổng hợp trên 300 nội dung góp ý báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo thời gian quy định, đồng thời gửi các đại biểu trong Đoàn làm tài liệu tham khảo để tham gia xây dựng luật tại các kỳ họp Quốc hội.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu QUốc hội tỉnh Bắc Ninh chú trọng tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận về các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Nhìn chung, các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh luôn tích cực nghiên cứu và tham gia phát biểu đóng góp ý kiến xây dựng luật và Nghị quyết của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội và cuộc họp của các Uỷ ban của Quốc hội. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các dự án luật được trình tại kỳ họp Quốc hội. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh… nhằm phổ biến những nội dung cơ bản của các dự án luật, nghị quyết góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của Nhân dân khi luật, nghị quyết được thông qua.

Hoạt động giám sát, khảo sát: Trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn, dân chủ

Tại các kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh thực hiện chức năng giám sát chủ yếu thông qua xem xét các báo cáo như: Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ …

Thực hiện quyền giám sát tối cao trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tham gia 05 lượt chất vấn đối với:

(1) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hiệu quả quá trình triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải về biện pháp xử lý đối với dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân được triển khai từ năm 2005, hiện nay đang bị dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 của Chính phủ.

(3) Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nguyên nhân và các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra trong khi Báo cáo Kinh tế - Xã hội.

(4) Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về những giải pháp của Chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu.

(5) Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về những giải pháp đảm bảo tổ chức bộ máy pháp chế xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và thu hút giữ chân nguồn nhân lực pháp chế.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự tán thành, đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân. Những câu hỏi chất vấn mà ĐBQH tỉnh Bắc Ninh mang đến nghị trường đã cho thấy trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn, dân chủ của những người được nhân dân ủy thác nói lên nguyện vọng của mình. Nội dung trả lời chất vấn thể hiện sự cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm cao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Hoạt động giám sát, khảo sát được Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh thực hiện trên tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn, dân chủ

Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện 04 cuộc giám sát, trong đó: 01 cuộc giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, 02 cuộc giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và 01 cuộc giám sát chuyên đề theo kế hoạch của Đoàn ĐBQH tỉnh. Kết quả, Đoàn đã kiến nghị 56 nhóm vấn đề, trong đó có 39 nhóm vấn đề gửi Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 17 nhóm vấn đề gửi Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát của Đoàn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp thu và có những chỉ đạo, giải pháp cụ thể.

Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cũng tích cực tham gia các cuộc giám sát, khảo sát do các Uỷ ban của Quốc hội, HĐND tỉnh tổ chức như: tham gia Đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma tuý và phòng chống mại dâm, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới tại Quảng Bình và Quảng Trị; tham gia Đoàn khảo sát của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tại Sở Tài chính Bắc Ninh về chính sách đất đai và giá đất và tại Phú Quốc, Kiên Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Tham gia Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại UBND các huyện, thị xã, thành phố; giám sát công tác quản lý hoạt động về dược và quản lý, mua sắm trang, thiết bị, vật tư y tế tiêu hao, kít xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn tỉnh đối với Sở Y tế; giám sát việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid -19 đối với Uỷ ban MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh thường xuyên thực hiện giám sát thông qua việc xem xét, xử lý đơn thư, nghiên cứu, chuyển đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo của HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan Viện KSND, TAND tỉnh tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Bắc Ninh.

Có thể nói, công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng nâng cao được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã chủ động phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp. Mọi thông tin về các cuộc TXCT được công khai, rộng rãi trên Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương thu hút sự tham dự đông đảo của cử tri.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh trong năm 2023 có nhiều đổi mới.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với tổng số 35 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó 16 cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại địa bàn xã, phường, thị trấn; 16 cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và 03 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với tổng số gần 8.000 cử tri tham dự và 254 lượt cử tri phát biểu 244 kiến nghị, trong đó có 44 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, 200 kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương xem xét, giải quyết.

Hoạt động TXCT có nhiều đổi mới. Ngoài TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tổ chức TXCT chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng; tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri, để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở các địa bàn thôn, xóm, tổ dân phố, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa ĐBQH với cử tri, giữa cử tri với Quốc hội; giúp ĐBQH ghi nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị sâu hơn về cơ chế, chính sách thuộc nhiều lĩnh vực, góp phần củng cố thông tin, bổ sung kinh nghiệm trong việc tham gia xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng tại các kỳ họp Quốc hội.

Các ĐBQH dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ các nội dung trình bày đảm bảo ngắn gọn, súc tích, rõ ràng để dành nhiều thời gian cho cử tri kiến nghị, phản ánh. Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương được Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo huyện và các vị đại biểu Quốc hội trả lời, giải đáp ngay tại buổi tiếp xúc cử tri. Các ý kiến, kiến nghị còn lại được tổng hợp đầy đủ và được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét, giải quyết cơ bản kịp thời. Khi có kết quả trả lời, Đoàn ĐBQH chuyển văn bản đến UBND, UBMTTQ các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn (nơi cử tri có ý kiến) để thông báo cho cử tri biết, theo dõi. Đồng thời các đại biểu trong Đoàn đã thông báo kết quả trả lời tại các buổi tiếp xúc cử tri.

Về cơ bản, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu và trả lời đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, có một số bộ, ngành Trung ương và một số sở, ban, ngành ở địa phương vẫn còn tình trạng trả lời chậm, quá thời hạn quy định, trả lời chưa rõ dẫn đến phải trả lời lần 2 hoặc cá biệt vẫn còn việc giao chưa đúng thẩm quyền đã phần nảo ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả trả lời kiến nghị của cử tri.

Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được Đoàn ĐBQH thực hiện thường xuyên. Trong quá trình giám sát, đã có nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo giải quyết kịp thời, được cử tri địa phương đồng tình, ủng hộ.

Về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ngay từ đầu năm, Đoàn ĐBQH đã phân công ĐBQH tiếp công dân, thông báo lịch tiếp công dân năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tiếp công dân định kỳ vào ngày 25 hằng tháng và tổ chức tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vào thứ năm hàng tuần tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

Thông qua công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giúp đại biểu nắm được những tâm tư, nguyện vọng của công dân, nghiên cứu xem xét chuyển kiến nghị, phản ánh của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, qua đó hạn chế phát sinh những điểm nóng, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn là Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực Ủy ban của Quốc hội, Uỷ viên các uỷ Ban của Quốc hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tham gia các phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức thành công hội nghị Tọa đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ tại Bắc Ninh với hơn 200 đại biểu tham gia buổi Toạ đàm.

Thực hiện Quy chế phối hợp Thường trực HĐND-UBND- Ban Thường trực UBMTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, trong năm qua Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh thực hiện tốt quy chế, qua đó giúp tăng cường mối quan hệ công tác.

Phối hợp với Thường trực HĐND Xây dựng chương trình giám sát và tham gia các Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh. Đảm bảo chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH phù hợp với các chương trình hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và không chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát với chương trình giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh.

Phối hợp với UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch TXCT trước và sau kỳ họp, TXCT chuyên đề. Thường xuyên phối hợp tốt với Ban tiếp công dân, các Sở ngành trong công tác chuẩn bị, tổ chức tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Chỉ đạo cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc kiểm tra, xem xét đối với những đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đã quá thời hạn giải quyết nhưng chưa được giải quyết hoặc đã được UBND tỉnh giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại đến các cấp mà có chứng cứ, tình tiết mới.

Phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp và hiệu quả. Xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân để phản ánh kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và UBND tỉnh xem xét, giải quyết, đồng thời thông tin tới cử tri về nội dung trả lời, kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng. Giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở tỉnh theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, mối quan hệ công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của từng bên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nội dung phối hợp theo Quy chế được các bên triển khai thống nhất, đồng bộ và đạt kết quả tốt...

Lan Hương - Nghĩa Đức - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác