ĐOÀN ĐBQH TỈNH PHÚ THỌ LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án Luật tại Tổ.
Đề cập về hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tại các kỳ họp Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam cho biết, năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã tham gia 03 kỳ họp bất thường (kỳ họp bất thường lần thứ 2,3,4 và 02 kỳ họp thường lệ là kỳ họp thứ 5,6, Quốc hội khóa XV.
Tại các kỳ họp, ĐBQH trong Đoàn đều tham gia các phiên họp toàn thể của Quốc hội ở hội trường và các phiên họp tổ; thực hiện nghiêm Nội quy kỳ họp, đồng thời chủ động, tập trung nghiên cứu các báo cáo, tài liệu, hồ sơ dự án Luật, Nghị quyết; tiếp thu, tiếp nhận đầy đủ kiến nghị của cử tri, nắm bắt tình hình thực tiễn của địa phương sinh sống, làm việc để tham gia ý kiến vào nội dung, chương trình kỳ họp. Đoàn tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc cho ý kiến, biểu quyết các vấn đề quan trọng của đất nước; tham gia thực hiện chức năng giám sát tối cao thông qua xem xét các báo cáo; tham gia các phiên chất vấn và nêu ý kiến về những vấn đề ĐBQH và cử tri quan tâm. Trong các kỳ họp, có 79 lượt ý kiến của các ĐBQH tỉnh về các nội dung thuộc chương trình, nội dung kỳ họp, trong đó có 13 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường.
Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam, ý kiến tham gia, thảo luận của các ĐBQH trong Đoàn tập trung vào các nội dung quan trọng như: Các báo cáo, văn bản về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công... Bên cạnh đó, các ĐBQH trong Đoàn còn tham gia, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; cho ý kiến và biểu quyết về công tác nhân sự và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam.
Các ý kiến phát biểu của ĐBQH tỉnh Phú Thọ được Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo các văn bản, chính sách trước khi trình Quốc hội, góp phần hoàn thành tốt chương trình của kỳ họp đề ra. Ngoài việc tham gia các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp, các ĐBQH đã bố trí công việc phù hợp để tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên.
Đối với hoạt động xây dựng pháp luật: Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam cho biết, trước mỗi kỳ họp, ngay sau khi nhận được các dự án luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đều tổ chức xin ý kiến các ĐBQH, các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo luật; đồng thời tổ chức các cuộc khảo sát, Hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo luật như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ...
Để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tiếp tục đổi mới phương pháp lấy ý kiến các ngành, các cơ quan, đơn vị theo hướng tăng cường làm việc trực tiếp đối với cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và các đối tượng chịu sự tác động của dự luật để giúp các ĐBQH tỉnh tiếp cận được thông tin nhiều chiều, mang hơi thở thực tiễn đến nghị trường; chỉ đạo Văn phòng chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội thu thập thông tin liên quan, nhất là ý kiến các chuyên gia để kịp thời thông tin tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức xin ý kiến đóng góp; khảo sát chuyên đề, thông tin, định hướng về các nội dung quan trọng hoặc có nhiều ý kiến khác nhau, có xung đột về lợi ích, có phạm vi tác động rộng; phân công cụ thể các ĐBQH tỉnh nghiên cứu, tham gia ý kiến chuyên sâu vào từng dự án luật. Tất cả các luật được thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp đều được tổng hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đúng thời gian quy định và được tiếp thu, giải trình, bổ sung vào dự án luật.
Kịp thời phát hiện những hạn chế trong thực thi pháp luật nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân
Đối với hoạt động khảo sát, giám sát: Căn cứ Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Nghị quyết 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và tình hình thực tế ở địa phương, sự điều hòa phối hợp hoạt động giám sát chung trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh năm 2023. Cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã tổ chức triển khai thực hiện 06 cuộc giám sát chuyên đề. Theo đó, Đoàn đã thực hiện 02 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội: Giám sát "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; Giám sát"Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".
Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.
Đoàn đã triển khai 02 cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giám sát "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021".
Ngoài ra, Đoàn còn thực hiện 02 cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh: Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động tiền tệ, tín dụng giai đoạn 2018 – 2022 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ". Giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đối với các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018- 2022". Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành 05 Quyết định thành lập Đoàn giám sát gồm có đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng Đoàn giám sát, các đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh làm Phó Trưởng Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh làm thành viên.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh: Đối với giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030", thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh và văn bản số 157/ĐGS-DT ngày 25/5/2023 của Đoàn Giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh nắm bắt tình hình, giám sát việc thực hiện của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan, đồng thời thu thập ý kiến góp ý của các địa phương, cơ quan chức năng ở tỉnh tham gia góp ý với Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan tại các cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội. Kết quả đến ngày 24/6/2023, Chính phủ đã tiếp thu và ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2002/NĐ-CP ngày 19/4/2023 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết thúc các đợt giám sát, Đoàn đã có thông báo kết quả giám sát và chuyển những kiến nghị liên quan đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, trả lời và theo dõi, đôn đốc sát sao việc giải quyết, trả lời. Thông qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; phát hiện những bất cập về chính sách, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật không còn phù hợp và bổ sung quy định mới nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân, của cử tri. Qua các cuộc giảm sát có 141 kiến nghị được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời (trong đó: 86 kiến nghị gửi đến UBND tỉnh, các địa phương, các cơ quan chịu sự giám sát; 56 kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các cơ quan, đơn vị ở Trung ương).
Các địa phương, đơn vị được giám sát cơ bản đã thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch giám sát, tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát. Việc gửi báo cáo cơ bản đúng yêu cầu, tiến độ, sát với đề cương, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung giám sát. Các đề xuất, kiến nghị trong báo cáo giám sát bảo đảm tính cụ thể, có cơ sở lý luận và thực tiễn, tạo được sự đồng thuận cao và có tác dụng tích cực, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Ngoài việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giám sát, trong năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh còn thực hiện nhiều cuộc khảo làm việc với các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp để chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội, thu thập thông tin làm rõ vấn đề, nội dung các cuộc giám sát, hoặc những vấn đề mà ĐBQH và cử tri quan tâm.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam nhận định: Nhìn chung, công tác giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh trong năm 2023 đã đạt được kết quả tốt, đảm bảo khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và đúng kế hoạch, chương trình làm việc, không gây phiền hà, ảnh hưởng đến công việc của các địa phương, đơn vị được giám sát, khảo sát. Phương pháp làm việc dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, tích cực thu thập các nguồn thông tin từ nhiều chiều. Trong quá trình tổ chức giám sát, khảo sát, Đoàn đã phối hợp hiệu quả với Thường trực HĐND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh. Các ĐBQH trong Đoàn đã bố trí hợp lý thời gian, công việc để tham gia các buổi giám sát theo sự phân công của Trưởng Đoàn; nêu cao vai trò, trách nhiệm đại biểu nhân dân, nghiêm túc nghiên cứu, tham gia ý kiến góp phần hoàn thành nội dung chương trình giám sát./.