ĐIỆN BIÊN: SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC VÀ TÀI CHÍNH HIỆU QUẢ HƠN THÔNG QUA THỰC HIỆN TỰ CHỦ TẠI CÁC ĐƠN VỊ CÔNG LẬP

16/03/2024

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị công lập ở tỉnh Điện Biên đã bước đầu giúp các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả hơn. Công tác quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc tích cực xây dựng, hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công.

ĐIỆN BIÊN: CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP ĐƯỢC SẮP XẾP THEO HƯỚNG TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI DÂN THỤ HƯỞNG DỊCH VỤ

ĐIỆN BIÊN: ĐẢM BẢO TINH GIẢN BIÊN CHẾ, THU HÚT NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ LÀM VIỆC TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc Thành lập Đoàn giám sát và Kế hoạch số 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn Giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 162/NQ-ĐĐBQH ngày 11/10/2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh về thành lập Đoàn giám sát; Kế hoạch số 163/KH-ĐGS ngày 11/10/2023 của Đoàn giám sát về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên giám sát việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Qua nghiên cứu, xem xét, phân tích, đánh giá báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành liên quan, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Điện Biên, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tuần Giáo, UBND thành phố Điện Biên Phủ và nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh vừa có kết quả giám sát.

Từng bước thay thế việc trả lương từ nguồn ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp

Đánh giá việc hoàn thiện cơ chế tài chính; thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, năm 2023, trên địa bàn tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 8/594 đơn vị, chiếm tỷ lệ 1,35% (các năm 2015, 2017, 2021 không có đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư); đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 11/594 đơn vị, chiếm tỷ lệ 1,85% (năm 2015 là 3,22%, 2017 là 2,8%, 2021 là 3,01%); đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 38/594 đơn vị, chiếm tỷ lệ 6,40% (năm 2015 là 2,48%, 2017 là 2,5%, 2021 là 3,01%); đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 537/594 đơn vị, chiếm tỷ lệ 90,4% (năm 2015 là 94,3%, 2017 là 94,69%, 2021 là 93,96%).

UBND tỉnh quyết định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc tỉnh; số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc tỉnh; cho ý kiến về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Tỉnh Điện Biên đã từng bước thay thế việc trả lương từ nguồn ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp, cụ thể: năm 2023 số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh (trừ các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) là 760 người (năm 2015, 2017, 2021 - 100% người làm việc tại các đơn vị này hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 10/05/2021 về danh mục dịch vụ sự nghiệp công, sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo danh mục, tuân thủ dự toán được phê duyệt, thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết.

Về cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước trên địa bàn: Ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước giao nhiệm vụ. Đa số các dịch vụ sự nghiệp công, sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện dưới hình thức giao nhiệm vụ. Nguồn kinh phí để giải quyết chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện tinh giản biên chế được hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị công lập đã bước đầu giúp các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả. Công tác quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc tích cực xây dựng, hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cũng cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị công lập vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên còn thấp, phần lớn là đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Việc thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập ở tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn do nguồn thu thấp và không ổn định. Tỉnh Điện Biên chưa áp dụng hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do việc giao chỉ tiêu giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% so với năm 2015. Đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% so với năm 2021) và phấn đấu đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập (đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015. Đến năm 2025 phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020) cho tất cả các địa phương, đơn vị trong cả nước mà chưa tính đến yếu tố đặc thù (việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) là chưa thực sự phù hợp.

Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công chưa đảm bảo tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Việc xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng của danh mục sản phẩm, dịch vụ công thuộc một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương. Vì vậy, gây khó khăn trong việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công, sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước làm căn cứ xác định giá dịch vụ để thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh.

Xếp loại kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy thông qua thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế hàng năm

Đánh giá về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến khẳng định: Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2859/KH-UBND ngày 08/9/2022 về việc triển khai xây dựng Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2022-2026, trong đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính giai đoạn 2022-2026; UBND tỉnh phê duyệt Đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện, các sở, ngành phê duyệt Đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý.

Việc lấy kết quả thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế hàng năm là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị sự nghiệp công lập từ nhiều năm nay, góp phần thực hiện chỉ tiêu thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế được giao. Việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 181/2005/QĐ-TTg và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Từ 01/01/2023, tỉnh Điện Biên thực hiện phân cấp cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện quyết định xếp hạng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ngành và UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xếp hạng đối với: Các Ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trường chuyên nghiệp thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã thành lập hội đồng tổ chức chấm điểm, xếp hạng đơn vị gửi Sở Nội vụ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp quản lý của tỉnh, làm cơ sở để quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm việc tại các đơn vị, tạo động lực cho các đơn vị nâng cao chất lượng hoạt động.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác nội vụ tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của địa phương đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả./.

Bích Lan