TRÀ VINH: VIỆC RÀ SOÁT, TỔ CHỨC LẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP ĐÁP ỨNG CÁC TIÊU CHÍ VÀ ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

07/05/2024

Kết quả giám sát cho thấy, việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, bảo đảm quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về tính toàn diện, đồng bộ và đảm bảo về hiệu quả hoạt động sau khi sắp xếp, tổ chức lại.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH: TÍCH CỰC, TÂM HUYẾT, TRÁCH NHIỆM, ĐỔI MỚI, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ NĂM 2023

NĂM 2024, ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH SẼ GIÁM SÁT 4 CHUYÊN ĐỀ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP THIẾT ĐƯỢC DƯ LUẬN XÃ HỘI QUAN TÂM

Thực hiện Kế hoạch số 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao  chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 – 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 142/QĐ ĐĐBQH ngày 03/11/2023; Quyết định số 161/QĐ-ĐĐBQH ngày 19/12/2023 và Kế hoạch giám sát số 143/KH-ĐĐBQH ngày 03/11/2023 về giám sát việc thực hiện chính  sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt  động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Trường Đại học Trà Vinh.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết, việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2018 - 2023 được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp  trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định và cơ bản  đáp ứng được các nhiệm vụ, mục tiêu của Trung ương đã đề ra. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm  thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa  phương; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; chưa ban hành Kế hoạch, chính sách khuyến khích xã hội hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên  địa bàn do chưa có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

Đánh giá việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 509 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 419 đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 03 đơn vị thuộc lĩnh vực giáo  dục nghề nghiệp, 19 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, 02 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh  vực khoa học và công nghệ, 17 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du  lịch, 02 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, 47 đơn vị sự nghiệp  thuộc lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; giảm 76 đơn vị (đạt tỷ lệ 12,99%) so  với năm 2015, 74 đơn vị (12,69%) so với năm 2017 và tăng 05 đơn vị so với năm 2021,  thành lập mới 08 đơn vị. Như vậy, tính đến nay, tỉnh Trà Vinh cơ bản đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu tại cuộc làm việc với Trường Đại học Trà Vinh.

Nhìn chung, việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được  các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, bảo đảm quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL gắn  với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về tính  toàn diện, đồng bộ và đảm bảo về hiệu quả hoạt động sau khi sắp xếp, tổ chức lại.

Vẫn còn tồn tại một số hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết, trong quá trình cơ cấu sắp xếp còn phát sinh thành lập mới một số đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Nhà nước (nhóm cơ bản, thiết yếu), chưa thực hiện  việc chuyển các trung tâm phát triển quỹ đất về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý, chưa thực hiện việc tổ chức sắp xếp, chuyển một số chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm  chính trị huyện về Trường chính trị tỉnh theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chưa hoàn thành thực hiện việc có rà soát, hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm  theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của  Chính phủ, quy định: “1. Chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng bộ quản lý  ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và  chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và  định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh  vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc  làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập”. 

Đề cập về những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình, những kết quả đạt được nêu trên là thành quả phấn đấu của cả hệ thống chính trị của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND và sự đồng thuận của các cơ quan, đơn  vị trong suốt quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, để đáp ứng một số tiêu chí nhằm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cũng như mở rộng việc cung ứng một số dịch vụ công cơ bản thiết yếu, tỉnh phải thành lập mới một số đơn vị sự nghiệp.

Việc chuyển Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý chưa có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung  ương. Việc nghiên cứu tổ chức sắp xếp, chuyển một số chức năng, nhiệm vụ của Trung  tâm chính trị huyện về Trường Chính trị tỉnh theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp. Tuy nhiên, sẽ làm hạn chế sự chủ động trong công tác đào  tạo, bồi dưỡng và công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tại địa phương. Chưa hoàn thành thực hiện việc rà soát, hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm theo  quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính  phủ, quy định: “1. Chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh  vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh  nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao  quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh  nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập”. Do các văn bản hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm được ban hành (phần lớn  các văn bản hướng dẫn được ban hành vào cuối năm 2023).

Nhóm giải pháp về thể chế chính sách và nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL

Với những bất cập trên, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thạch Phước Bình đưa ra một số nhóm giải pháp về thể chế chính sách và nguồn lực.

Đối với nhóm giải pháp về thể chế chính sách: Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương cần tiếp tục rà soát các mục  tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017  của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mà đến nay chưa  thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng chưa đạt được mục tiêu để ban hành các chương trình  hành động, kế hoạch, quy định làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Chính phủ và các các Bộ, ngành cần rà soát các quy định đã ban hành nhưng đến  nay không còn phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn góp phần nâng cao  chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp các  dịch vụ công.

Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nhiệm vụ giải  pháp và nội dung của việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất  lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao nhận thức,  tạo đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội trong việc thực  hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao  chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá  dịch vụ sự nghiệp công.

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của  tỉnh được tổ chức lại đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo  hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế; thu hẹp các điểm trường lẻ, tăng sĩ số học sinh trên lớp để hướng đến tiệm cận với  số học sinh trên lớp theo khu vực do Trung ương quy định.

Quản lý chặt chẽ số biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà  nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; việc giao và quản lý biên chế phải được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm được phê duyệt và đảm bảo định mức số người làm việc theo quy định; tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp,  bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất  65% trong tổng số vị trí việc làm và số người làm việc được phê duyệt. Đẩy mạnh việc rà  soát, cân đối, điều chỉnh biên chế sự nghiệp trong toàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng  đảm bảo đủ biên chế cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, đơn vị cung cấp  dịch vụ công cơ bản thiết yếu.

Quy định và thực hiện nghiêm về số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp  công lập theo quy định. Xây dựng và đưa phần mềm thi tuyển viên chức vào sử dụng để đảm bảo việc tuyển dụng viên chức được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và  chính xác; Tiếp tục thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng  nâng cao năng lực, trình độ, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ viên chức. Lấy kết  quả thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế hằng năm là một trong những tiêu chí để đánh  giá, xếp loại kết quả công tác người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị sự nghiệp công lập.

Xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách  nhà nước theo nguyên tắc: Đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm kinh phí;  đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện; đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu  thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia; đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hoá, huy động sự tham gia cung ứng của  các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công ở những nơi có điều kiện xã  hội hóa cao. Ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu  (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám, chữa các bệnh  phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hoá, nghệ thuật dân gian truyền  thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; bảo trợ xã  hội và chăm sóc người có công,...) và đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa bàn  vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Đẩy mạnh phê duyệt phương án tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp  công lập theo quy định của pháp luật. Thực hiện kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo  đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các  dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hoá cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình  bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn. Tiếp tục chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công  lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần.

Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh  vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh  việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hoá, trước hết là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và  các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng  khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp  ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp  vi phạm, cố tình né tránh hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các cơ quan,  tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực: Cần đảm bảo các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm  vụ, giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó chú trọng nguồn lực để thực hiện chính  sách tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức và biên chế sự nghiệp giáo dục theo định mức quy định để đảm bảo cho công tác dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Bích Lan