Cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, đa số ý kiến đều cho rằng: Năm 2023, và những tháng đầu năm 2024, mặc dù bối cảnh thế giới có nhiều diễn biễn phức tạp, bất ổn về chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn, các vấn đề phi truyền thống, hậu quả của đại dịch Covid-19… Tình hình trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thiên tai dịch bệnh, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực.
So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu ngân sách nhà nước, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI … Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số đại biểu đánh giá, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, tăng trưởng kinh tế năm 2023 không đạt mục tiêu, tạo thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025; chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 không đạt; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, chỉ tăng 3,62% thấp nhất giai đoạn 2011-2023 trong khi khu vực dịch vụ chuyển biến chậm.
Tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu và chủ yếu tăng tập trung trong tháng cuối năm, làm giảm hiệu quả của tăng trưởng tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế; tiếp cận vốn còn khó khăn, lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn ở mức cao; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn vướng mắc; nợ xấu có xu hướng tăng. Thị trường vốn còn nhiều vấn đề khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách chưa bền vững; phân tích dự báo thu chưa sát, ảnh hưởng đến chất lượng dự toán.
Đại biểu cũng nêu thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm hơn 90%) gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn; công tác cải cách thể chế có nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số rào cản cần khẩn trương, quyết liệt tháo gỡ.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nêu thực tế đời sống Nhân dân còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí khậu, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; kết quả bình đẳng giới đạt nhiều kết quả, được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng việc bố trí nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng…
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Tại phiên thảo luận Tổ 10, đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất, gợi mở một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới để đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2024. Bên cạnh tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Quốc hội cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách; đồng thời có chính sách khơi dậy tinh thần lạc quan của doanh nghiệp.
Về cải cách thể chế, một số ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điện, nếu cơ chế, chính sách rõ ràng sẽ là cơ hội phát triển điện gió, điện mặt trời ở nhiều khu vực, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ cần xác định cải cách thể chế là ưu tiên hàng đầu, mặc dù trong báo cáo trình Quốc hội đã đề cập đến các giải pháp nhưng cần đưa ra thông điệp cải cách thể chế cụ thể và thực thi một cách thực chất. Trong đó, chú trọng cải thiện môi tường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ, đặc biệt là kiểm soát ngay từ khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng văn bản trình Quốc hội, kiên quyết không trình Quốc hội những văn bản không đảm bảo chất lượng.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Chính phủ cũng cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 105/NQ-CP năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Không nên ban hành quy định mới tạo nên gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tạo nên các động lực tăng trưởng mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững...
Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị phân tích làm rõ trách nhiệm của việc ban hành chính sách phát triển năng lượng tái tạo còn bất cập, chưa đánh giá hết tiềm năng lợi thế phát triển các loại năng lượng tái tạo, xuất khẩu điện, phát triển điện mặt trời không nối lưới, phát triển điện gió. Cùng với việc trình Quốc hội xem xét thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp này, đại biểu đề nghị Chính phủ giao các Bộ, cơ quan liên quan sớm tiến hành khảo sát, nghiên cứu toàn diện về tiềm năng điện gió ngoài khơi; sớm bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách liên quan tới hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Đối với tiêu dùng nội địa, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần kích thích chi tiêu của người tiêu dùng thông qua các chính sách: gia tăng trợ cấp xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm ở cả khu vực chính thức và phi chính thức; nâng cao mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu và xem xét mở rộng đối tượng được giảm.
Cho ý kiến về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, các ý kiến tại Tổ 10 đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện 5 mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, 20 chỉ tiêu cụ thể của chiến lược đạt được kết quả khả quan, chỉ số xếp hạng bình đẳng giới ở Việt Nam tăng 15 bậc, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Có ý kiến cho rằng, trong 4 chỉ tiêu về bình đẳng giới chưa đạt được nhưng các giải pháp Chính phủ đề ra còn chung chung, chưa bám sát vào những chỉ số chưa đạt. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, vấn đề bình đẳng giới được cả hệ thống chính trị quan tâm, nhưng đến thời điểm trình báo cáo trước Quốc hội, vẫn còn 8/83 tỉnh, thành phố chưa có số liệu cập nhật về vấn đề này…
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ khi trình các dự án luật, cần thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng, đánh giá tác động về mặt kinh tế xã hội và cả bình đẳng giới; Có giải pháp kịp thời trong bối cảnh già hóa dân số, công nghệ số; Tiếp tục tục quan tâm hơn nữa phân bổ nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án về bình đẳng giới, trong đó nhấn manh bình đẳng giới không chỉ tập trung vào phụ nữ mà tất cả các đối tượng trong xã hội...
Cho ý kiến về báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo số 240 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách. Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu một số hạn chế của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến hoàn thiện thể chế. Trong đó, một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và có giải pháp để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản; Có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để khắc phục bất cập, hạn chế; góp phần nâng cao chất lượng thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Một số hình ảnh tại Tổ 10:
Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH: Bạc Liêu, Thái Bình và Tiền Giang
Đồng chí Lữ Văn Hùng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Tổ trưởng Tổ 10 điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu