THẢO LUẬN TỔ 10: QUY ĐỊNH 12 BIỆN PHÁP XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI, ĐẢM BẢO PHÙ HỢP NHẤT VỚI TỪNG ĐỐI TƯỢNG

08/06/2024

Ngày 8/6, thảo luận tại Tổ 10 về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; Đồng thời, tán thành với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo luật, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên.

THẢO LUẬN TỔ 10: CÓ PHƯƠNG ÁN ĐỀN BÙ THỎA ĐÁNG CHO NGƯỜI DÂN BỊ THU HỒI ĐẤT DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA TÂY, ĐOẠN GIA NGHĨA - CHƠN THÀNH

Thảo luận Tổ 10 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Bạc Liêu, Thái Bình và Tiền Giang) về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các ý kiến cơ bản tán thành các quy định của dự thảo Luật về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhất là thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc quy định trong dự thảo và điều chỉnh trong thực tế để xử lý người chưa phạm tội là cần thiết, vì đã được chứng minh là giải pháp hiệu quả để buộc người chưa thành niên vi phạm pháp luật chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình và ngăn ngừa tái phạm. Tuy nhiên, đối với các quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 36 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị đánh giá làm rõ biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng, không phải là biện pháp giáo dục như đã quy định tại Bộ Luật Hình sự.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc quy trình xử lý chuyển hướng; dự thảo luật cũng chưa làm rõ thời điểm áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Trong khi đó tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đã quy định biện pháp xử lý chuyển hướng là giải pháp thay thế cho việc tham gia hoặc tiếp tục tham gia tố tụng hình sự; đồng thời, quy định rõ hơn những nguyên tắc này trong luật và làm rõ thời điểm xem xét.

Đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cũng quan tâm đến quy định xử lý chuyển hướng, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tán thành với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng như trong dự thảo luật và cho rằng, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như vậy là linh hoạt, phù hợp với từng người chưa thành niên. Quy định nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng cũng giúp việc lựa chọn áp dụng phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và có quy định cụ thể nếu trong trường hợp trong quá trình xử lý chuyển hướng người chưa thành niên không chấp hành, chấp hành không tốt biện pháp xử lý chuyển hướng và có vi phạm nghĩa vụ thì nên tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thông thường.

Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự luật. Theo đó, chỉ quy định trong tư pháp hình sự vì tư pháp hành chính, hoặc dân sự người chưa thành niên đều tham gia thông qua cha, mẹ, người giám hộ hoặc qua người đại diện do tòa án cử; chỉ trong tố tụng hình sự người chưa thành niên sẽ phải tham gia trực tiếp với những tư cách như bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, bị thi hành,… Do đó, cần có các quy định dành cho người chưa thành niên trong tố tụng hình sự là phù hợp với thực tế tố tụng Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu cũng thống nhất với việc không quy định (hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên) trong dự thảo Luật vì trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự đều dành những chương riêng quy định về người chưa thành niên phạm tội. Dự thảo luật cũng quy định thêm nhiều biện pháp đặc thù áp dụng riêng cho người chưa thành niên phạm tội. Do vậy, đại biểu cho rằng, chỉ nên tập trung điều chỉnh việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm, thúc đẩy sự phục hồi của họ.

Cũng liên quan đến quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, hiện có 2 loại ý kiến: Tán thành và không tán thành quy định: Hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng tình loại ý kiến thứ nhất, đó là tán thành việc quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên trong dự thảo luật với 4 lý do như báo cáo thẩm tra đã đề cập.

Ngoài ra, để bảo đảm hình thành một đạo luật chuyên biệt, toàn diện đối với người chưa thành niên, đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh bao gồm cả chính sách hình sự đặc thù, thủ tục tố tụng thân thiện, điều kiện thi hành án phù hợp với lứa tuổi, bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và tạo thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên là điều hết sức cần thiết.

Về thi hành án phạt tù (từ Điều 156 đến Điều 165), dự thảo luật quy định: Trại giam dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân phải được bố trí, thiết kế phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, đáp ứng yêu cầu mục đích, quan điểm xây dựng luật đề ra. Bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của người chưa thành niên, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người trưởng thành.

Tuy nhiên, quy định này sẽ làm phát sinh kinh phí xây dựng cơ sở và bộ máy ở trại giam dành riêng cho người chưa thành niên. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong báo cáo đánh giá tác động cần đánh giá kỹ lưỡng hơn nguồn lực bảo đảm đối với chính sách này.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Quan tâm cho ý kiến đối với quy định về độ tuổi và nhóm tuổi trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu quan điểm, vấn đề quan trọng nhất của Dự án luật này là xác định đúng độ tuổi và nhóm tuổi người chưa thành niên. Về mặt tâm lý xã hội, tuổi chưa thành niên tuy không còn là trẻ con nhưng cũng chưa thành người lớn. Trước sự thay đổi nhanh chóng về cơ thể và sinh lý, người chưa thành niên có thể cảm thấy bối rối, lo âu và có nhiều băn khoăn; thêm nữa lại tò mò, muốn khám phá bản thân, muốn khẳng định mình là người lớn.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể như thế nào là tuổi thành niên và chưa thành niên. Chỉ có quy định về người chưa thành niên là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người thành niên là từ đủ 18 tuổi trở lên. Đại biểu nhấn mạnh, để tương thích với các Luật hiện hành, Ban soạn thảo cần làm rõ độ tuổi và nhóm tuổi tại Khoản 2,3,5,6 Điều 4 của dự thảo luật; làm rõ lí do lấy mốc từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, mà không phải cao hơn hoặc thấp hơn để quy định các hình thức xử lý cho phù hợp.

Cho ý kiến về xác định tuổi của người chưa thành niên (Điều 25), đại biểu Nguyễn Văn Dương cho biết, trong thực tiễn có nhiều trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật không có thân nhân, là trẻ mồ côi nên việc xác định tuổi gặp khó khăn. Tại khoản 3 Điều 25 quy định trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi, nhưng dự thảo luật không nêu rõ cơ quan nào có thẩm quyền và bằng phương pháp nào. Theo đại biểu, thực tế có phương pháp xác định tuổi xương thông qua chụp X quang xương để đánh giá mức độ trưởng thành của hệ xương, dựa vào nhân cốt hóa xương chỉ để xác định tuổi sinh.

Về mức hình phạt và tổng hợp hình phạt, Điều 109 dự luật quy định: “Phạt tiền được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập, có tài sản riêng hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện; … Mức tiền phạt đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.” Một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa trái với nguyên tắc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với chính người vi phạm, vừa không phù hợp với Bộ Luật Lao động hiện hành và thực trạng nhóm đối người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam.

 Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để có quy định chặt chẽ hơn đối với hình phạt tiền không áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi. Thay vào đó để đảm bảo chủ trương giảm án phạt tù, chỉ nên áp dụng cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn nhưng cho hưởng án treo cho nhóm độ tuổi này.

Đối với nội dung liên quan đến người làm công tác xã hội, có ý kiến cho rằng, nội dung này hiện đang có nhiều khoảng trống pháp lý không chỉ công tác xã hội liên quan đến tư pháp người chưa thành niên, mà còn các các đối tượng cần trợ giúp pháp lý khác, đặc biện nhóm yếu thế trong xã hội, do đó cần giao Chính phủ chi tiết nội dung này trong dự luật, hoặc nên có quy định đầy đủ về công tác xã hội và người làm công tác xã hội.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác